Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp thăm Hong Kong (Trung Quốc), sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với ông Lương Chấn Anh, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong.
Tại cuộc gặp, ông Lương Chấn Anh bày tỏ nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong; nhấn mạnh chuyến thăm thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Hong Kong, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong; đánh giá cao sự phát triển nhanh, ổn định của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong thời gian qua. Tổng vốn FDI của các doanh nghiệp Hong Kong tại Việt Nam lũy kế đạt trên 16,6 tỷ USD, Hong Kong đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và đối tác FDI lớn thứ 6 của Việt Nam, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hong Kong trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, tiềm năng và cơ hội hợp tác Việt Nam-Hong Kong còn rất rộng lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và đi sâu hội nhập quốc tế, ASEAN và Hong Kong chuẩn bị hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để tận dụng tốt cơ hội, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đề nghị các cơ quan chính quyền, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp hai bên tăng cường giao lưu, tiếp xúc, khai thác tiềm năng, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ; tích cực nghiên cứu và áp dụng các chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh việc Chính quyền Hong Kong đã dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thực lực của Hong Kong mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị chính quyền Hong Kong khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông, lâm, thủy hải sản, gạo, các sản phẩm chế biến từ sữa và hoa quả; tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Hong Kong; tiếp tục tạo thuận lợi trong việc tăng tần suất các chuyến bay cũng như hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân.
Tại buổi tiếp, ông Lương Chấn Anh đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế, xã hội và những thế mạnh của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong; khẳng định Hong Kong coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu; bày tỏ cảm ơn và hoan nghênh các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục, du lịch; đồng thời sẵn sàng làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam tiếp xúc mở rộng thị trường và các nguồn vốn quốc tế.
Nhân dịp này, ông Lương Chấn Anh bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tích cực ủng hộ tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hong Kong, tin tưởng Hiệp định này sau khi hoàn thành sẽ mở ra giai đoạn mới cho hợp tác cùng có lợi giữa Hong Kong với các nước ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Trước đó, cũng trong sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Tổng Thư ký Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong.
Tại buổi tiếp, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thông báo một số nét chính về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch giữa Hong Kong và Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo đó, lượng khách du lịch Hong Kong đến Việt Nam tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái; thương mại hai bên duy trì tăng trưởng nhanh, trong đó lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng lượng gạo nhập khẩu của Hong Kong.
Ngay sau chuyến thăm Việt Nam của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vừa qua, chính quyền Hong Kong đã triển khai một số biện pháp nhằm mở rộng giao lưu hợp tác với Việt Nam như dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Việt Nam, đồng ý để Hãng hàng không Vietjet Air mở đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hong Kong, Cục Du lịch Hong Kong cũng có kế hoạch tăng cường các tuyến du lịch đường biển từ Hong Kong đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những biện pháp tích cực Chính quyền Hong Kong đã triển khai, cũng như những đóng góp của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong việc phát triển quan hệ hai bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với Hong Kong; đề nghị các cơ quan quản lý của hai bên tích cực trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp thị thực xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho hợp tác du lịch, giáo dục và lao động; nghiên cứu ký kết thỏa thuận về thương mại gạo để đảm bảo việc cung cấp ổn định, lâu dài mặt hàng này cho Hong Kong.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hong Kong về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 13 và thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong.
Trên đường về nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện cảm ơn tới Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã dành cho Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình và hữu nghị; tin tưởng sự thành công tốt đẹp của chuyến thăm lần này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, đi vào chiều sâu./.