Thủ tướng: Không chủ quan để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 đã tăng ngoạn mục và đạt mức kỷ lục sau nhiều năm, góp phần đưa tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,41%.
Thủ tướng: Không chủ quan để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% ảnh 1 Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại công ty LG Electronics Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp đà tăng trưởng của quý 2, quý 3 đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực kinh tế để tạo ra con số tăng trưởng 7,46%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 đã tăng ngoạn mục và đạt mức kỷ lục sau nhiều năm, góp phần đưa tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,41%. Điều này cho thấy những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp đang gặt hái kết quả và mục tiêu tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% có thể đạt được.


Sản xuất và dịch vụ dẫn dắt tăng trưởng

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kinh tế Việt Nam trong chín tháng năm 2017 đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ nét qua từng quý.

Cụ thể, GDP quý 1 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,28%; ước tính quý 3 tăng 7,46%, là quý có mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực sản xuất; dịch vụ. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng tới 12,8% mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua. Trong đó, sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu tăng mạnh trong quý 3, với mức tăng 45,5%. Sản xuất tivi cũng tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Đóng góp cho sự tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo phải kể đến Tập đoàn Samsung đã đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao với doanh thu dự kiến cả năm 2017 đạt trên 1.188 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016. Samsung đã đặt kế hoạch xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm nay, góp phần đáng kể cho mục tiêu xuất khẩu cả nước trong cả năm.

Trong chín tháng, sản xuất kim loại cũng tăng tới 21,4%; trong đó có sự đóng góp của Khu liên hợp sản xuất thép Formosa (Hà Tĩnh). Dự kiến khu liên hợp này sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô, với doanh thu 16.850 tỷ đồng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng gặt hái nhiều thành công. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế chín tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng chỉ là 0,65%.

Lý giải về sự bứt phá vượt bậc này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích trước hết là dựa vào ngành thủy sản tăng trưởng trên 5%. Điều này thể hiện sự chuyển dịch nhanh chóng và kịp thời cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Theo tính toán, 1ha đất nông nghiệp sau khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm sẽ cho giá trị cao hơn gấp 4,5 lần, nhờ đó đóng góp thêm nhiều hơn vào GDP.

Đáng chú ý, trong chín tháng năm 2017, khu vực dịch vụ có mức đóng góp lớn nhất 2,8 điểm phần cho tăng trưởng với mức tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây.

Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng Chín do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong chín tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách.

“Ngành du lịch sẽ phấn đấu đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, là hướng phấn đấu mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa cũng ghi điểm trong chín tháng qua khi tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chín tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%).

Đạt được những kết quả trên, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Chín, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng do Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, đi vào chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn khi mới đây nhất, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137, tăng 5 bậc, cao nhất từ trước tới nay và tính chung trong 5 năm qua đã tăng tới 20 bậc.


[Tổng sản phẩm trong nước của quý ​3 tăng kỷ lục với 7,46%]

Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.

Đây cũng là lý do khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tính chung trong chín tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn FDI đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay với 93.967 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thành công ghi nhận hơn cả theo như đánh giá của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, đó là chính sách tiền tệ và tài khóa được điều hành ổn định, phối hợp nhịp nhàng, góp phần đưa các chỉ số vĩ mô chuyển biến theo hướng tích cực. Theo đó, chỉ tiêu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%, lạm phát cơ bản bình quân chín tháng là 1,45% và dự báo trong năm nay sẽ ở khoảng từ 1,5-1,8%, dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao.

Không chủ quan

“Không được say sưa” với thành tích đã đạt được là nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ khi đánh giá và tình hình kinh tế-xã hội chín tháng năm 2017.

Lời nhắc nhở này hoàn toàn có cơ sở khi thực tế vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt gần 55%. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn chậm. Cụ thể mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11.800 tỷ đồng trong kế hoạch 60.000 tỷ đồng.

Mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6,3% năm 2017 và 6,5% năm 2018, đồng thời lưu ý Việt Nam có hai vấn đề phải giải quyết là bội chi ngân sách và tăng trưởng tín dụng.

Theo ngân hàng này, Việt Nam muốn giảm bội chi nhưng vẫn cân đối nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ xem xét áp dụng chính sách bổ sung để tăng thu từ thuế và giảm chi tiêu công không thiết yếu. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ được nới lỏng thông qua giảm lãi suất trong bối cảnh tín dụng ở mức cao cũng làm gia tăng rủi ro tài chính. Do đó, Chính phủ xác định cho vay chất lượng, tránh đầu cơ.

Đây cũng là lưu ý của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Theo các thành viên Hội đồng, mặc dù Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Nhà nước nâng mức tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% nhưng phải theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động và tiếp tục quan tâm tới chất lượng tín dụng, bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án.

Các thành viên của Hội đồng cũng kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhanh chóng sửa đổi, ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm lãi suất, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Trước những hạn chế nêu trên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị không được chủ quan và giao nhiệm vụ tới từng trưởng ngành. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách Nhà nước.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong quý 4, bảo đảm thực hiện giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao 2017. Trường hợp nào giải ngân chậm thì kiên quyết cắt giảm theo quy định để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

“Làm nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, không để lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công, gây bức xúc xã hội,” Thủ tướng cương quyết và nhắc nhở các ngành, các cấp cần tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy giải ngân đầu tư tư nhân và FDI trên cơ sở nhận thức rõ nguồn vốn này rất quan trọng, là một động lực phát triển.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cho rằng đây là khâu yếu, đã được lưu ý nhiều lần và cần tìm nguyên nhân căn cơ để thúc đẩy, xử lý, giải quyết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành làm nghiêm việc này.

Thủ tướng: Không chủ quan để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% ảnh 2Cảng nước sâu Nghi Sơn. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Về xuất nhập khẩu, thương mại trong nước, cần chú trọng xây dựng hệ thống thông tin thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ; có biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương tiếp tục phát triển thị trường trong nước, không để nước ngoài chi phối.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất và đời sống người dân. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, qua đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05% theo kịch bản đề ra.

Về công nghiệp dịch vụ, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp, xây dựng. Tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, vận hành có hiệu quả. Ngành công thương cần bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành thép, ôtô, phân bón, hóa chất, người đứng đầu Chính phủ lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.