Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Không thể để năng suất lao động của Việt Nam quá thấp so với khu vực, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ."
Thực tế, năng suất lao động của nhiều ngành như điện, than... hiện đang ở mức quá thấp so với nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Theo báo cáo của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, toàn tập đoàn có khoảng 30.000 lao động đang làm việc trực tiếp tại các hầm lò. Tuy nhiên, năng suất lao động những năm gần đây có xu hướng thụt lùi.
Trong 20 năm thành lập Tập đoàn, tổng sản lượng than thương phẩm sản suất đạt 525 triệu tấn (tăng 7 lần so với năm 1995) nhưng năng suất lao động từ giai đoạn đó đến nay chỉ tăng được 1,8 lần.
Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, do tỷ trọng than khai thác bằng công nghệ hầm lò ngày càng tăng, từ năm 2011 đến năm 2015 tỷ trọng than hầm lò tăng từ 45% lên 56%, hao phí lao động hầm lò cao hơn nhiều lần so với khai thác lộ thiên.
Bên cạnh đó, chi phí để sản xuất than cũng tăng lên. Đơn cử, trước đây để sản xuất 1 tấn than chỉ cần bóc dỡ 3,4 tấn mét khổi đất đá, nhưng hiện nay số lượng bóc dỡ lên đến gần 10 tấn, chưa kể cung đường đào than hiện tăng thêm 3,2 lần làm chi phí sản xuất tăng thêm từ 3-5%/năm.
"Theo quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 thì từ năm 2015, nhu cầu than cho điện tăng lên mức 55-56 triệu tấn than nhưng hiện mới chỉ đạt 44 triệu tấn. Đây là một thách thức của ngành than," ông Chuẩn cho hay.
Những bất cập này không chỉ riêng ngành than. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năng suất của ngành này hiện chỉ bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và 10% của Singapore.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho biết năng suất lao động ngành điện thấp là do đang dư thừa lao động. Ông đưa ra ví dụ hiện có tới hơn 6.700 nhân viên chỉ thực hiện mỗi công việc ghi chỉ số công tơ bằng tay và điều này khiến hiệu quả công việc thấp.
"Ngành điện phấn đấu đến năm 2020 năng suất lao động bằng với mức của Malaysia hiện nay," lãnh đạo EVN cho biết.
Thực tế trên cũng đang là thách thức chung của Việt Nam trong bối cảnh nhân công lao động không còn là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Tại hội nghị với Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, với 51 triệu lao động của Việt Nam như hiện nay thì chỉ có 18% qua đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, trong khi lao động cầm tay chỉ việc có thể làm được việc chỉ đạt 49%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao, chiếm tới 49% nhưng GDP tạo ra từ lĩnh vực này lại chỉ đạt khoảng 18%.
“Chúng ta cần có kế hoạch tổng thể, phải tập trung đầu tư công nghệ cũng như nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ công nhân,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Chín, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cho rằng muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ họp, đề xuất với Chính phủ về một nghị quyết nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động, tương tự Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.