Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; một số Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cuộc làm việc nhằm nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Trong số đó tập trung nắm bắt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối đối với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; những vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp; trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, nhất là giải pháp tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập; khơi dậy sức sáng tạo, phát huy hết sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước..., trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết Đảng bộ Khối gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan.
Đến ngày 30/12/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên.
[Giám sát hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ]
Các doanh nghiệp trong Khối gồm 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý I/2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt trên 9,93 triệu tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng uỷ Khối đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đảng bộ, tổ chức chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh, hiệu quả.
Về công tác cổ phần hóa, trong giai đoạn 2016-2020, Đảng ủy Khối lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc công tác cổ phần hoá theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 29/12/2016, Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 và Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả, toàn khối có 21 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa 61 doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đến hết năm 2021, có 18/61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa (đạt 29,5% kế hoạch). Có 18 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thực hiện cổ phần hóa 57 doanh nghiệp thuộc Danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ 2017 đến nay, có 9/18 tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa được 15/57 doanh nghiệp; trong đó, 3/18 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa theo Danh mục, còn lại 42 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa.
Đối với công tác thoái vốn, Đảng ủy Khối lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 và Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Có 3 tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã hoàn thành thoái vốn tại 9/45 doanh nghiệp; còn lại 31 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn. Toàn Khối đã thực hiện thoái vốn theo quyết định của các cấp có thẩm quyền - phê duyệt tại 165/530 doanh nghiệp (đạt 31,1% kế hoạch).
Đáng chú ý, các doanh nghiệp có dự án kém hiệu quả đã chủ động phân tích, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục; đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc. Đến nay đã có 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương./.