Tiếp tục các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, chiều 9/10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mekong đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản.
Diễn đàn với chủ đề "Trung tâm chuỗi giá trị khu vực Đông Nam Á năng động,” có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp đến từ 5 nước Mekong và Nhật Bản.
Diễn đàn do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Theo đánh giá của JETRO, trong những năm gần đây, khu vực sông Mekong đã và đang thay đổi nhanh chóng trong cả hai khía cạnh “cứng và mềm”. Cụ thể là trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở cấp quốc gia và không ngừng mở rộng các quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp lớn, cải thiện hành lang kinh tế trong khu vực, xóa bỏ thuế quan và giảm thủ tục khu vực biên giới. Mekong là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới, với mức bình quân trong khu vực năm 2017 là 6%.
Diễn đàn là sự khẳng định và lời kêu gọi của lãnh đạo các quốc gia Mekong và Nhật Bản trong việc thúc đẩy đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Diễn đàn cũng đem đến những cơ hội, sự hấp dẫn của từng môi trường đầu tư mỗi quốc gia Mekong trong xu hướng phát triển của khu vực nói chung.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp 5 nước Mekong và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nằm ở trung tâm châu Á phát triển năng động, khu vực Mekong đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình. Các nước Mekong đã thống nhất Tầm nhìn về một khu vực phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, phát triển bền vững, bao trùm.
Trong thực thi, cùng với vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, sự hỗ trợ hợp tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm - nơi khởi nguồn những ý tưởng sáng tạo mới, phát huy nội lực, góp phần quyết định vào quá trình tăng trường kinh tế.
Thông tin với các doanh nghiệp Mekong, Nhật Bản về Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có nhiều yếu tố bất ổn, phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 7%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết CCPTPP, tiến gần đến RCEP và cùng là những quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nói: "Việt Nam là cơ hội của các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt. Quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, nhưng Việt Nam có dân số trẻ, tuổi trung bình là 31, đa phần được đào tạo tốt, khéo léo và có khả năng thích ứng cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022. Hiện tại có 70% thuê bao di động tại Việt Nam đang sử dụng 3G hoặc 4G. 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người. Tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.
[Thủ tướng dự họp báo chung kết quả Hội nghị Mekong-Nhật Bản]
Đáng chú ý, tháng 9/2018, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4." Đây là Hội nghị WEF về ASEAN thành công nhất trong 27 năm tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp và nhiều Lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả 5 nước Mekong và Nhật Bản.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 26.500 doanh nghiệp FDI từ 127 quốc gia, đối tác, với số vốn cam kết trên 330 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Canon, Fujitsu, Toyota, Honda...
Theo báo cáo JETRO tháng 2/2018, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi, khoảng 70% có kế hoạch 'mở rộng hoạt động.' Kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20," Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Việc thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn của thế giới.
Việt Nam và Thái Lan là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng; công nghiệp chế tạo; nông nghiệp chất lượng cao; tài chính, ngân hàng; y tế chất lượng cao...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng."
Đề cập đến mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với sự phát triển toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, nhưng trên thực tế, giao thương Việt Nam-Nhật Bản đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, khi những thương nhân Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên tới Hội An, một thương cảng ở tỉnh Quảng Nam, góp phần đưa nơi đây trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á.
Cho rằng Việt Nam với các nước Mekong và Nhật Bản có nhiều điểm đồng về văn hóa, là điều kiện thuận lợi để phát triển, hợp tác kinh tế thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin thêm năm 2017, Nhật Bản đã trở lại vị trí nhà đầu tư số một Việt Nam với tổng vốn FDI đạt 9 tỷ USD; thương mại hai chiều đạt hơn 33 tỷ USD.
Tới thời điểm hiện tại, có gần 4.000 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt trên 55 tỷ USD. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Mekong và Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết khá kịp thời. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng năm 2003 đã tác động nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây cũng là một trong những kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách và giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với tiềm năng của khu vực Mekong và mối quan hệ tốt đẹp Mekong-Nhật Bản, khu vực Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư./.