Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế, xã hội dự kiến sẽ diễn ra ngày 31/3, chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các nội dung của hội nghị quan trọng này.
Dự kiến, Hội nghị tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho các nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tầm quan trọng của Chỉ thị của Thủ tướng vừa được ban hành trong ngày với những biện pháp mạnh mẽ để ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Liên quan đến những tác động của COVID-19 đến kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 tối 26/3, các nhà lãnh đạo G20 đã bày tỏ quyết tâm vực dậy nền kinh tế với nhiều gói kích thích kinh tế được triển khai.
Trong bối cảnh đó, ở trong nước, khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội.
Trước tình hình đó, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch. Năm nay, chúng ta dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách mà chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua. Các khách sạn phải đóng cửa.
Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng. Thủ tướng cho biết chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay.
Ba tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn.
Nội dung thứ 3 cần bàn tại hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam.
“Chúng ta bàn nhiều nội dung nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách," Thủ tướng nói và đề nghị cần triển khai những biện pháp mạnh giải quyết vấn đề này.
Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự do đời sống khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các báo cáo cho hội nghị toàn quốc sắp tới; trong đó phải đi sâu vào các nhiệm vụ, giải pháp của từng bộ, ngành, địa phương. Tinh thần lớn mà Thủ tướng nhấn mạnh là nâng cấp một số gói hỗ trợ nhiều hơn. Do đó, báo cáo tại Hội nghị phải phân loại các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để khẩn trương triển khai. Những vấn đề thuộc thẩm quyền các cơ quan chức năng khác phải tổng hợp, báo cáo ngay trong tháng Ba này.
Trong các giải pháp của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng cần chủ động tìm thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là công nhân lao động; tìm các nguồn lực đầu tư xã hội, gồm cả FDI và đầu tư tư nhân. Đây là dịp để tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, đào tạo lao động... Cùng với lo sản xuất, phải lo đời sống của nhân dân; giữ doanh nghiệp, giữ công nhân; ổn định vĩ mô. Đặc biệt là phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong mọi trường hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng ảnh hưởng đến lạm phát phải được kiểm soát tốt, tránh tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ để nâng giá trái pháp luật.
Nhấn mạnh đổi mới cách làm là biện pháp cần thiết trong "thời chiến," Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai nhiệm vụ.
Nêu các vấn đề cụ thể về đầu tư công, Thủ tướng nhắc lại phải tập trung giải ngân hết số vốn năm 2020 với gần 700.000 tỷ đồng; trong đó phải làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có quản lý vốn nếu chậm giải ngân.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát; thực hiện ngay gia hạn nộp thuế tiền sử dụng đất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác; tăng chi chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội; cắt giảm chi thường xuyên. Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước.
Về giải pháp chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý các giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ vốn, trong đó tiếp tục nghiên cứu cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động; sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong trường hợp cấp bách; nghiên cứu đề xuất gói kích cầu từ trái phiếu Chính phủ như các bộ đề xuất tại phiên họp này.
Đối với vấn đề hỗ trợ người lao động, Thủ tướng thống nhất một số điểm mà Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội nêu ra, trong đó có kiến nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu báo cáo Chính phủ để thực hiện ngay.
Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, giữ người lao động; hỗ trợ trực tiếp người lao động tạm ngừng việc; cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động không lãi suất, mức vay bằng mức lương tối thiểu. Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện biện pháp này.
[Dịch COVID-19: Thách thức lớn càng phải đoàn kết và kỷ luật nghiêm]
Đối với tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể để kích cầu mạnh mẽ hơn.
Đối với phương án bảo đảm an ninh trật tự mà Bộ Công an nêu ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ có tập huấn các phương án cụ thể. Các địa phương phải thực hiện hiệu quả vấn đề này, không để xảy ra tình trạng mất ổn định ở cả nông thôn và thành thị.
Với việc các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn, kể cả kinh tế tư nhân và Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu rà soát để có giải pháp hỗ trợ.
Các bộ, ngành cần tính toán các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, một kênh tăng trưởng quan trọng, hướng vào phân khúc nhà ở xã hội nhiều hơn./.