Ngày 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.
Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm: một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống COVID-19 khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, tạo nhiều địa phương có các ca nhiễm trong cộng đồng; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng sẽ diễn ra trong tháng 5 này; dự thảo chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021; và một số nội dung quan trọng khác.
[35 nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng giao đã quá hạn chưa hoàn thành]
Phát biểu kết luận sau cuộc hảo luận về kinh tế-xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển tốt, tích cực, xu hướng phục hồi kinh tế đạt được những kết quả quan trọng cả về kinh tế vĩ mô, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư...
Trong đó, việc thu ngân sách dù khó khăn nhưng đã được trên 40%; lạm phát tiếp tục được kiểm soát và có kết quả tốt nhất kể từ năm 2016 đến nay; lĩnh vực an sinh, xã hội, đời sống người dân cơ bản ổn định và có chiều hướng được cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ từ năm 2020 được thực hiện tốt. Điều này cho thấy sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức vẫn tồn tại và mới nổi cần giải quyết, khắc phục như tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó đoán, tác động toàn diện đến kinh tế-xã hội; chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa đã đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa yên tâm; vừa qua một số hiện tượng nổi lên như "sốt" đất, chứng khoán...
Vấn đề này, Chính phủ, các bộ trưởng và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kịp thời và tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan nên người dân đã nắm bắt, ủng hộ sự điều hành của Chính phủ nên tình hình đã ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta chưa yên tâm về các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, ngân hàng, vì đây là hai chính sách hết chính sách hết sức quan trọng tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nhắc nhở về các công việc bị tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết đáng kể, như 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải quyết tâm giải quyết, chọn một vài dự án để làm dần, rồi vừa làm vừa thảo luận, rút kinh nghiệm để tiếp tục làm; vấn đề chồng chéo, tồn đọng về pháp luật, các luật xung đột lẫn nhau, gây ảnh hưởng, cản trở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nên cần tập trung giải quyết; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vốn phân bổ còn chậm, nhất là vốn nước ngoài; lĩnh vực an sinh xã hội đối với một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tình trạng xuất nhập cảnh trái phép phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục rà soát, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép...
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực để cùng Chính phủ làm tốt hơn nữa trong tháng 5 và các tháng tới đây.
Để hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, nhất là ưu tiên tập trung tháo gỡ các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong công tác quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm: các cơ quan thuộc Chính phủ cần tập trung hơn vào quản lý nhà nước, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát; các bộ ngành phối hợp với nhau để tháo gỡ cơ chế, chính sách về phân cấp, phần quyền, kiểm tra, giám sát.
Về những vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có chính sách tiền tệ tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; tạo môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ, nguồn lực cho phát triển đất nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng, vừa đảm bảo tiến bộ, vừa chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí, tham ô, tham nhũng.
Về lĩnh vực giao thông-vận tải, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm để tháo gỡ nguồn lực.
Theo Thủ tướng, nếu trông chờ vào nguồn vốn nhà nước thì không đáp ứng được, do đó phải tìm giải pháp, đánh giá lại những gì làm được và chưa được của 20 năm qua, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ đó có giải pháp thực hiện.
Thủ tướng cho rằng cần mạnh dạn điều chỉnh tư duy, cách nhìn, cách làm; huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, người dân; tinh thần là "lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư."
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp tránh hai khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hoảng sợ, hoang mang.
Thủ tướng yêu cầu phải tỉnh táo, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành, xử lý; phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào là có nguy cơ, nguy cơ cao, thế nào là dịch và các biện pháp tương ứng; sau đó phân cấp, phân quyền cho các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình cụ thể để chủ động xử lý, đảm bảo mục tiêu kép; tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là thông điệp “5K+ vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này
Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt thì phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Một lần nữa Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19.
Liên quan đến Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng lưu ý phải xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để được hỗ trợ, sau đó thảo luận, công bố công khai để áp dụng, không để tình trạng trục lợi, tham nhũng.
Về dự thảo chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chung là bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XIII nhưng phải linh hoạt, căn cứ thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp; từ đó chương trình, kế hoạch triển khai.
Thủ tướng nêu rõ vấn đề quan trọng mà văn kiện Đại hội XIII cũng đã nêu đó là khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất.
Bởi vậy, khâu tổ chức phải thiết thực, hiệu quả; đặc biệt là phải linh hoạt với tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Do đó, tinh thần chung là tăng cường quản lý nhà nước; trong đó tập trung và xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế chính sách ưu tiên; thiết kế các công cụ về kiểm tra, giám sát.
Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan trọng nhất là chỉ ra việc làm được, chưa được và nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài lâu năm.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện các báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.
Về xây dựng pháp luật, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét; Chính phủ cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/5.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp sắp tới; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho người dân, học sinh.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải coi trọng công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức mạnh của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác cán bộ; tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí./.