Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Romania

Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Romania làm tốt hơn nữa công tác người Việt ở nước ngoài với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt."

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Romania. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Romania. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Romania, chiều tối 20/1 (giờ địa phương), tại thủ đô Bucharest, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Romania.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đỗ Đức Thành cho biết cộng đồng người Việt Nam định cư tại Romania tuy số lượng không nhiều, chỉ khoảng hơn 600 người, nhưng đã phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái," giúp đỡ lẫn nhau để ổn định cuộc sống và luôn hướng về nguồn cội, quê hương với tinh thần "uống nước nhớ nguồn."

Đại sứ quán và cộng đồng luôn quan tâm việc giáo dục thế hệ trẻ, nỗ lực duy trì hoạt động dạy và học tiếng Việt để gìn giữ và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Nhiều học sinh Việt Nam tại Romania học giỏi, một số cháu đã đạt các giải quốc gia và quốc tế về các môn tự nhiên.

ttxvn-thu-tuong-dai-su-quan-romania-6-resize-6266.jpg
Tối 20/1/2024 (giờ địa phương), tại thủ đô Bucharest, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Romania. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Romania Phạm Duy Hưng, Hội đã phát huy vai trò đầu tàu gắn kết cộng đồng, phối hợp với Đại sứ quán tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước; hỗ trợ, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại.

Hội Doanh nghiệp, Hội Thanh niên, Hội Sinh viên, Câu lạc bộ Phụ nữ và tập thể gần 3.000 công nhân lao động Việt Nam đã có nhiều hoạt động sôi nổi, qua đó mở rộng đoàn kết và làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng người Việt tại đây.

Đặc biệt, Đại sứ quán, Hội Người Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Romania đã chung tay giúp đỡ người Việt Nam tại Ukraine khi chiến sự xảy ra, hỗ trợ đưa hàng nghìn người về nước an toàn.

Tại cuộc gặp, bà con người Việt Nam tại Romania bày tỏ vui mừng, tin tưởng, tự hào trước bước phát triển vượt bậc, tương lai ngày càng tốt đẹp và vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao của đất nước trên trường quốc tế, cũng như quan hệ không ngừng được vun đắp giữa Việt Nam và Romania.

Bà con bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bà con người Việt tại Romania; tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành tham gia đoàn đã phản hồi với các đề xuất của bà con. Vừa qua, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, đáp ứng các kiến nghị của đồng bào về các chính sách liên quan căn cước, visa, nhà ở…

Ông Nguyễn Văn Tới, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam, cho biết nhu cầu lao động của Romania rất lớn. Đây là cơ hội với hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tới đề nghị các cơ quan quản lý tốt hơn nữa hoạt động của lao động Việt Nam.

Phản hồi nội dung này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Romania là thị trường rất tiềm năng, có thể tiếp nhận lao động ở nhiều trình độ khác nhau, với thu nhập khá so với mặt bằng chung.

Vừa qua, các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp rà soát, chấn chỉnh và dự kiến trong chuyến thăm này của Thủ tướng, hai bên sẽ ký kết văn kiện hợp tác về hợp tác lao động; từ đó tạo điều kiện đưa ngày càng nhiều hơn lao động Việt Nam sang Romania, vừa bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, vừa nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới cộng đồng người Việt Nam tại Romania nói riêng và tại châu Âu nói chung.

Thủ tướng cho biết Romania là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950. Người dân Romania đã dành tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Romania năm 1957.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania trong gần 75 năm qua không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Romania đã dành tình cảm, sự hỗ trợ quý báu cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay.

Gần đây nhất, Romania là nước thành viên EU đầu tiên đã có nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ 300.000 liều vaccine và trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 cho Việt Nam vào thời điểm tiếp cận vaccine rất khó khăn, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua đại dịch COVID-19 và mở cửa, phục hồi, phát triển kinh tế.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khuyến khích và tạo điều kiện để bà con đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được cụ thể hóa vào các luật, trong đó có Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi). Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có những quy định đột phá về đất đai, nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới việc tạo điều kiện cho bà con ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, dạy và học tiếng Việt Nam. Các kiến nghị khác của bà con tiếp tục được các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.

Thông báo những nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội, đối ngoại và hội nhập của đất nước, Thủ tướng khẳng định và cảm ơn những đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào những thành tựu chung của đất nước, riêng kiều hối năm 2023 khoảng 14 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Romania tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình."

Nhắc lại một số kỷ niệm gắn bó sâu sắc trong thời gian học tập và làm việc tại Romania trước đây, Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục giữ gìn và phát huy hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam đối với Romania, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống, tốt đẹp giữa hai nước, nhân dân hai nước.

Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh; nêu cao lòng tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; tiếp tục làm cầu nối ngày càng vững chắc trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Romania; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt. Đồng thời, bà con có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người Việt Nam sang Romania làm việc, lập nghiệp; rà soát, quản lý chặt chẽ hơn các công ty xuất khẩu lao động và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc về ngoại ngữ, trình độ, kỹ năng, hiểu biết luật pháp, ý thức, tác phong làm việc…

Bộ Ngoại giao tiếp tục lắng nghe, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của kiều bào, báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục