Thủ tướng: Tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn

Chủ trì phiên họp chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ cố gắng duy trì nhịp độ tăng trưởng cao để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn.
Thủ tướng: Tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục phần thảo luận về kinh tế xã hội tháng Ba và quý 1 năm 2018 trong Phiên họp Chính phủ ngày 2/4, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng cả năm 2018; đồng thời phân tích những yếu tố tiềm ẩn rủi ro từ diễn biến khó lường của kinh tế thế giới sẽ tác động đến tăng trưởng trong nước nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, chính sách thuế, vấn đề tranh chấp thương mại tại các thị trường lớn ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Các thành viên Chính phủ cũng báo cáo, cho ý kiến về một số vấn đề nổi cộm khác được dư luận quan tâm.

Kiến nghị sửa đổi quy định xem xét chức danh giáo sư, phó giáo sư

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ chiều nay, liên quan đến việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sau khi rà soát các ứng viên theo yêu cầu của Thủ tướng, trong tổng số 1.226 hồ sơ, có 1.131 hồ sơ đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cũng tiến hành thanh tra đối với 94 trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định. Trong số này, qua rà soát, Hội đồng xác định được 53 hồ sơ ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện theo quy định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, qua đợt xét duyệt lần này, bộ sẽ có biện pháp xử lý các cơ sở giáo dục không nghiêm túc, không chính xác trong việc chứng nhận giờ giảng dạy của các ứng viên để hoàn thiện hồ sơ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đồng thời kiến nghị sửa đổi, thay thế quy định về xem xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho phù hợp hơn với tình hình mới.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã có đơn xin rút tham gia xét duyệt chức danh giáo sư lần này để tập trung thời gian cho công tác quản lý nhà nước của bộ. Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã làm đúng quy định, công khai minh bạch, xem xét cụ thể các trường hợp; đồng thời tiến hành rà soát, thanh tra chi tiết từng hồ sơ với tinh thần “không ngại va chạm.”

Thủ tướng nhìn nhận đây là cách làm việc đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và đảm bảo công khai, minh bạch. Đánh giá cao thành tựu nghiên cứu và uy tín khoa học của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến với tư cách là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Oxford – một cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới, song Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có đơn xin rút xét duyệt chức danh giáo sư để tập trung dành thời gian cho công việc quản lý Nhà nước của Bộ, đăng ký xét duyệt vào thời gian thích hợp khác.

Thủ tướng: Tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tăng trưởng đi đôi với đảm bảo chất lượng

Kết luận Phiên họp, nhìn nhận kết quả tăng trưởng quý 1 ở mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, Thủ tướng cho rằng kết quả này có được nhờ những hành động quyết liệt của Chính phủ; trong đó có việc bỏ quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để tập trung cho sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực.

Để ứng phó với thực trạng chính sách bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu và nguy cơ chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp ứng phó chủ động phòng vệ thương mại với tinh thần quyết liệt, kịp thời hơn.

Thông tin về việc Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới mang tên Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chủ trương, lộ trình kịp thời, mạnh mẽ hơn để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng này.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến thông điệp tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với đảm bảo chất lượng tăng trưởng và đảm bảo đời sống cho người dân.

Tăng trưởng kinh tế là rất cần và cũng rất cấp thiết. Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng thấp nhất 6,7% trong năm 2018, song chất lượng tăng trưởng cũng là yêu cầu quan trọng đối với bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành cần chỉ đạo sâu sát hơn để đảm bảo tăng trưởng số lượng đi liền với chất lượng.

“Chính phủ sẽ cố gắng duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Rà soát kịch bản tăng trưởng

Về kịch bản tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, ADB và một số tổ chức, định chế tài chính khác đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức xung quanh chỉ số 6,7% trong năm 2018, phù hợp với tính toán của Chính phủ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành, lĩnh vực để làm căn cứ chỉ đạo với mục tiêu đạt chỉ tiêu tăng trưởng thấp nhất là 6,7% trong năm 2018. Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp phải phấn đấu phải đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 2016-2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém trong từng lĩnh vực, địa phương, vùng miền; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Song song với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế, tập trung tháo gỡ nợ đọng về xây dựng pháp luật và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng cũng hoan nghênh các Bộ: Tư pháp, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố chương trình cắt giảm thủ tục hành chính.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo tập trung chuẩn bị kỹ nội dung cho các hội nghị chuyên đề về những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước như xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp, logistic, xây dựng cơ bản…

Đánh giá cao việc một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi xuất cho vay, thúc đẩy sản xuất phát triển, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan không lơ là nhiệm vụ kiểm soát thị trường bất động sản, chứng khoán.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tính toán lại lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế một cách phù hợp, không tự tiện nâng giá, phí để đảm bảo kiềm chế lạm phát.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá nhất là trước dịp mùa hè sắp đến, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2018.

Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và có giải pháp tạo việc làm thiết thực, hiệu quả , nhất là lao động nông thôn. Quyết liệt hơn nữa trong ngăn chặn, xử lý vận chuyển chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý giáo dục môi trường dạy và học.

Đáng chú ý, tại Phiên họp, Thủ tướng nhắc lại một nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đó là việc bảo đảm nhà vệ sinh tại các trường học, bệnh viện và yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế rà soát việc thực hiện để đánh giá xem “chủ trương này thực hiện đến đâu?” bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân.

Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án 148 Giảng Võ, Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với thành phố Hà Nội là phải làm đúng quy hoạch và phương án đã có ý kiến của Bộ Xây dựng theo hướng giảm số lượng nhà cao tầng, giảm số tầng. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ phương án giao thông ở khu vực này, chống ùn tắc giao thông. Việc triển khai dự án phải đảm bảo đúng pháp luật; giá đất đền bù phải theo giá thị trường và phải công khai minh bạch trong quá trình triển khai.

Xung quanh vấn đề mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tôn trọng ý kiến của hãng tư vấn độc lập, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được tiến hành cả phía Nam và phía Bắc sao cho sử dụng hiệu quả nhất và trong trường hợp cần thiết vẫn lấy diện tích của sân golf để phục vụ các hoạt động của sân bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục