Ngày 30/9, sau khi được Tòa án Hiến pháp Thái Lan khôi phục chức vụ, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các siêu dự án mà chính phủ của ông đã khởi động.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Prayut cho biết trong số các ưu tiên của ông là các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và truyền thông của đất nước mà theo ông là rất quan trọng đối với tương lai của Thái Lan.
[Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết có lợi cho Thủ tướng Prayut]
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những dự án này đối với đất nước, đồng thời khẳng định chính phủ đã đi đúng hướng để đảm bảo rằng Thái Lan có thể tiến tới thịnh vượng và mở ra cơ hội thịnh vượng cho hàng triệu người dân.
Ông kêu gọi tất cả các ngành cùng đoàn kết làm việc hướng tới mục tiêu chung vì sự vững mạnh của đất nước.
Thông báo trên là phản ứng đầu tiên của ông Prayut sau khi được Toà án Hiến pháp Thái Lan khôi phục chức vụ Thủ tướng vì lý do nhiệm kỳ của ông được tính từ ngày Hiến pháp hiện hành có hiệu lực (6/4/2017) và do đó chưa đến hạn 8 năm như theo quy định.
Ông Prayut lên nắm quyền tại Thái Lan ngày 24/8/2014 sau cuộc đảo chính vào tháng 5 cùng năm.
Ngày 6/4/2017, Hiến pháp hiện nay của Thái Lan bắt đầu có hiệu lực, trong đó Điều 158 quy định “Thủ tướng không được giữ chức vụ tổng cộng quá 8 năm, dù liên tục hay ngắt quãng.”
Ngày 9/6/2019, ông Prayut tiếp tục giữ chức Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử tiến hành hồi tháng 3 cùng năm.
Ngày 24/8 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha để chờ phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ. Động thái này diễn ra sau khi tòa chấp nhận kiến nghị của phe đối lập yêu cầu phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut.
Phe đối lập cho rằng thời hạn nhiệm kỳ 8 năm của Thủ tướng Prayut đã kết thúc vào ngày 24/8/2022 vì ông bắt đầu giữ cương vị này ngày 24/8/2014.
Mặc dù bị đình chỉ chức vụ thủ tướng, ông Prayut vẫn ở trong Nội các Thái Lan trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng./.