Chiều 18/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tới thăm, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trong lịch sử dân tộc, vị thế của Thanh Hóa không chỉ là mảnh đất phên dậu quốc gia mà còn là cái nôi của văn minh Đại Việt. Mảnh đất xứ Thanh là nơi chuyển tiếp giữa Tứ trấn kinh kỳ (Đông, Đoài, Nam, Bắc) với vùng duyên hải miền Trung, là nơi liên kết giữa ba vùng sinh thái biển cả, đồng bằng và núi rừng.
Chính vị trí địa lý và lịch sử đã làm nên nét đặc trưng văn hóa rất riêng biệt của vùng đất này.
Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.111,4km2; dân số 3,6 triệu người; so với các địa phương trong cả nước, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số.
Toàn tỉnh có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 24 huyện với 635 xã, phường, thị trấn. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2016 là 1.620 USD, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đạt 12.300 tỉ đồng. Thanh Hóa đang phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%, thu ngân sách đạt trên 13.500 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.750 USD năm 2017.
Một trong những công trình kinh tế-xã hội trọng điểm của Thanh Hóa là Khu kinh tế Nghi Sơn; được thành lập với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng.
[Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào 50 dự án lớn trị giá 5 tỷ USD]
Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như hệ thống giao thông trục chính, cảng biển, cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý rác thải... đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư; một số dự án công nghiệp lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động như nhiệt điện Nghi Sơn 1 (công suất 600 MW), xi măng Nghi Sơn (4,3 triệu tấn/năm), ximăng Công Thanh (2 triệu tấn/năm); một số dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn đang trong quá trình đầu tư như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn (công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm), nhiệt điện Nghi Sơn II (1.200 MW), nhiệt điện Công Thanh (600 MW)..., sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo bước đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu phát triển là tranh thủ thời cơ, vận hội mới; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm lo phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ về việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Xác định du lịch là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En vào danh mục các khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là tỉnh diện tích lớn với quy mô dân số 3,6 triệu người, dù còn nhiều khó khăn nhưng năm qua, kinh tế-xã hội của Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, an ninh quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tốt, trong đó thu ngân sách khá, thu nội địa tăng cao.
Thanh Hóa cũng đã hình thành được 8 khu công nghiệp và thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn. Tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã đặt ra mục tiêu ba nhất: Đó là hạ tầng thiết yếu phục vụ các dự án đầu tư của doanh nghiệp đồng bộ nhất; chi phí thuê đất và lao động cạnh tranh nhất; giải quyết thủ tục hành chính, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.
Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên trọng điểm và phát huy tốt các tiềm năng lợi thế, làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, có tầm nhìn, định hướng phát triển bền vững.
Về 13 kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng ghi nhận và giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, trong đó, có những kiến nghị liên quan đến một số dự án trọng điểm của tỉnh về cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, phòng chống thiên tai.
Về kiến nghị của tỉnh bổ sung một số khu điểm du lịch quy mô vào danh mục khu du lịch quốc gia, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch Thanh Hóa; đồng thời giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét cùng với tỉnh Thanh Hóa và các bộ liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Ghi nhận tỉnh có 8 khu công nghiệp lớn đã có đủ cơ sở hạ tầng, Thủ tướng đánh giá Thanh Hóa là một trong những trọng điểm kêu gọi đầu tư của cả nước./.