Thủ tướng tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đang ở thăm Việt Nam

Cho rằng người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp và tin tưởng người dân Nhật Bản, Thủ tướng đánh giá đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đang ở thăm Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ngài Yoichi Kobayashi - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mekong-Nhật Bản thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 18/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ngài Yoichi Kobayashi - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mekong-Nhật Bản thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng hoan nghênh ngài Yoichi Kobayashi và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập cơ chế Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Thời gian qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực cùng quan tâm. Với việc Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sắp sang thăm Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đây là minh chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng đánh giá cao hợp tác của Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương của Việt Nam thời gian qua. Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (năm 2015 cao kỷ lục với 2,5 tỷ USD) và đứng thứ hai về đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án và tổng vốn 42 tỷ USD.

Cho rằng người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp và tin tưởng người dân Nhật Bản, Thủ tướng đánh giá đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị ngài Kobayashi thông tin đến doanh nghiệp Nhật Bản, tận dụng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Nhật Bản, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, để đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện các chính sách mở cửa nền kinh tế, tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đổi tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản cũng là một thành viên.

Thủ tướng cho rằng điều này mở ra một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước. Do vậy, những vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, bán lẻ, phân phối, nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng mà phía doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị, Chính phủ Việt Nam sẽ giao các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng của Việt Nam; triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản; thực hiện tốt sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 6 và các giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa như điện, điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô, cùng với đó là vận động Chính phủ Nhật Bản ưu tiên Việt Nam trong chính sách mở rộng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam cả về số lượng và ngành nghề.

Về phần mình, ngài Kobayashi cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp và cho biết, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam lần này hoạt động trong nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hàng không và mong muốn tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Ngài Kobayashi cho biết Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã nhiều lần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam trao đổi ý kiến về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyến thăm lần này, Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong đã đưa ra các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam tháo gỡ các khó khăn mà doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất vui mừng khi các đề xuất, khó khăn đã được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam giải đáp, tháo gỡ.

Với hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, ngài Kobayashi cho rằng điều đó cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố hấp dẫn như kinh tế tăng trưởng cao, chính trị ổn định, nguồn nhân lực ưu tú thì người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản. Chính vì thế, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam không chỉ là doanh nghiệp lớn mà đã lan sang các doanh nghiệp nhỏ.

Mới đây, Trường Đại học Việt-Nhật được thành lập, ngài Kobayashi cho rằng đây là bước đi nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục