Chiều 16/3, tại trụ sở Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.
Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Báo cáo tại buổi làm việc, năm 2021, PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu đạt hơn 627 nghìn tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 112 nghìn tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch năm.
4/5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của PVN đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, thua lỗ của ngành Công Thương. Đặc biệt, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã đốt lửa lần đầu thành công tổ máy số 1 vào ngày 23/2.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác dầu đạt gần 1,8 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Tuy nhiên, hoạt động của PVN đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về phạm vi hoạt động, xu hướng chuyển dịch năng lượng, cơ chế, chính sách đặc thù.
[PVN: Gia tăng trữ lượng dầu khí vượt gần 18% kế hoạch trong năm 2021]
Đặc biệt, những biến động phức tạp địa chính trị, tranh chấp quốc tế, nhất là xung đột vũ trang ở Ukraine dẫn đến sự biến động giá và ảnh hưởng đến cung-cầu dầu thô, xăng dầu, phân bón…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong năm 2021, PVN đã đoàn kết, thống nhất, tích cực triển khai và hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao, các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, thể hiện ở chỉ tiêu khai thác dầu thô và các công việc liên quan; chỉ tiêu tài chính và xử lý một số vấn đề tồn đọng.
Thủ tướng cũng chia sẻ với rất nhiều khó khăn, thách thức của Tập đoàn, trong đó có những vấn đề có thể giải quyết được ngay, nhưng cũng có những khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chế, cơ chế, chính sách và liên quan tới nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ tập trung cùng với PVN và các bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết một cách tích cực nhất, phân loại, lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có ảnh hưởng lớn, dễ làm trước, khó làm sau; trên cơ sở giữ đúng nguyên tắc, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp tình hình cụ thể và mang lại hiệu quả cao.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ đều rất quan tâm tới PVN để tập đoàn phát triển ổn định, lành mạnh và ngày càng có hiệu quả.
Trong những tháng qua, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với PVN về nhiều vấn đề khác nhau như xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan tới nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và các vấn đề năng lượng khác…
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội… Chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động, thực hiện được mục tiêu này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định năm 2022, tình hình địa chính trị, địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược đang diễn ra hết sức phức tạp, khó dự đoán, liên quan trực tiếp tới hoạt động dầu khí; những địa bàn, đối tượng mà PVN đang hợp tác đều chịu tác động bởi những yếu tố này.
Do đó, PVN phải nhanh chóng thích ứng tình hình và linh hoạt xử lý các vấn đề cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng; chủ động đẩy mạnh khai thác, tập trung lực lượng, lãnh đạo, chỉ đạo, tận dụng tối đa tất cả những gì thuận lợi nhất hiện nay để hóa giải những khó khăn, thách thức.
Đây cũng là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngay từ cuối quý 3 năm 2021, với dự báo khi dịch được kiểm soát thì việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế sẽ dẫn tới nhu cầu cao về năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý phải nắm chắc tình hình, vừa xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên, vừa chuẩn bị cho vấn đề lâu dài và vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Về lâu dài, phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành dầu khí; đồng thời có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ.
Cùng với đó, phải nghiên cứu, tính toán, thúc đẩy đầu tư, nhưng là đầu tư cho phát triển để lợi nhuận có được tiếp tục tạo ra lợi nhuận lớn hơn; rà soát, lựa chọn các đối tác hợp tác phù hợp nhất; lựa chọn các ngành nghề thực sự hiệu quả, bổ sung cho nhau, tránh tình trạng xung đột giữa các ngành nghề sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực không phải là thế mạnh, tránh manh mún, dàn trải, khắc phục những hạn chế trong đầu tư ngoài ngành trước đây.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của PVN tại cuộc làm việc. Trong đó có những vấn đề đã và đang tiếp tục được xử lý. Với những vấn đề đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết thì PVN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan xử lý dứt điểm theo lộ trình cụ thể.
Đối với vấn đề chưa được các cấp có thẩm quyền cho chủ trương thì PVN phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất, kiến nghị một cách trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ các vấn đề khó, mới, nhạy cảm, phức tạp, còn ý kiến khác nhau để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị PVN cũng như ngành, cơ quan liên quan tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề liên quan nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc xử lý các vấn đề liên quan tới nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đang được triển khai tích cực, đạt kết quả; cần tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy cách làm tại dự án này để giải quyết các vấn đề tại các dự án khác.
Thủ tướng đề nghị PVN cùng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch điện VIII trên tinh thần không vì lợi ích cục bộ của ngành, đơn vị, mà tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu PVN cùng các cơ quan liên quan nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có an ninh kinh tế; kiên định các nguyên tắc bất di bất dịch như giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể; tính toán, cân nhắc việc gì tốt nhất cho đất nước thì làm, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân…
“Lãnh đạo PVN động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân giải quyết vấn đề rất quan trọng là bảo đảm cân đối năng lượng cả trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ,” Thủ tướng yêu cầu./.