Chiều 11/12, tại thành phố Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang trao Quyết định cho chín nhà đầu tư thực hiện chín dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký lên tới 94.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương tỉnh Hòa Bình, trong những năm qua, với sự cố gắng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,36%, đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 của cả nước; các lĩnh vực xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hòa Bình cần tận dụng Thủ đô để phát triển]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hòa Bình là bông hoa đẹp của vùng Thủ đô, nằm ở vị trí cầu nối giữa khu vực Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; còn giữ được môi trường tương đối tốt, phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Văn hóa đa dạng, phong phú là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa mà ít địa phương có được. Với trên 65% diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, hàng năm cung cấp khoảng 400.000 m3 gỗ là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các nhà máy chế biến gỗ, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ và nội thất.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Hòa Bình sẽ tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước khắc phục những bất cập để phát triển, vươn mình trở thành đầu tàu kinh tế vùng Tây Bắc và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Để đạt được điều đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình nên xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng trong phát triển và tập trung vào bốn mũi nhọn: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản địa phương có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho vùng Thủ đô và xuất khẩu; phát triển công nghiệp tại những khu vực được quy hoạch, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường để không làm ảnh hưởng tới phát triển du lịch; phát triển đô thị sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc dân tộc.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phải tạo được môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư hết sức thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, ngược lại thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của tỉnh. Chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp thấy an tâm khi đầu tư tại tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2019, phải có bản quy hoạch chất lượng, khoa học để làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, bài bản, tránh tình trạng quy hoạch manh mún, chồng chéo, bất hợp lý, phải điều chỉnh khi thực hiện như ở một số địa phương khác. Đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, được đón nhận cơ hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào vùng cao, người dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và một số công trình hạ tầng quan trọng cho tỉnh Hòa Bình nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần rà soát lại những chỉ đạo, công việc có liên quan để cải thiện, phấn đấu, có chính sách phát triển đồng bộ. Cùng với đó là sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, kinh tế của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng khá, giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Quy mô GRDP năm 2018 đạt khoảng 40.643 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 48,03 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt 3.325 tỷ đồng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thực hiện quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đang từng bước xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh và phát triển, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 36.000 tỷ đồng; có 546 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, trong đó có 38 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 702 triệu USD; 508 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 66.857 tỷ đồng.
Số dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh chiếm gần 50%, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 28.100 người, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.