Thủ tướng yêu cầu không được để người dân thiếu đói sau bão số 12

Bàn thảo, quyết định những giải pháp cấp bách hỗ trợ Khánh Hòa và Phú Yên khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng đề nghị từ giờ đến Tết Nguyên đán, các địa phương này không được để dân thiếu đói.
Thủ tướng yêu cầu không được để người dân thiếu đói sau bão số 12 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và hoàn lưu cơn bão số 14. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bão số 12 đã gây thiệt hại lên đến 14.700 tỷ đồng tại Khánh Hòa, gần 3.500 tỷ đồng tại Phú Yên, những địa phương mà 20 năm qua chưa từng hứng chịu cơn bão nào có sức tàn phá lớn như vậy.

Sau khi thị sát các khu vực mắt bão số 12 của Khánh Hòa, chiều 30/11, tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để bàn thảo, quyết định những giải pháp cấp bách hỗ trợ hai địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

10 tháng năm 2017, các chỉ số kinh tế-xã hội của Khánh Hòa đều đạt và vượt kế hoạch: sản xuất công nghiệp tăng 7,4%; thu ngân sách đạt 96,1% dự toán; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 15,1%; doanh thu du lịch tăng 30,8%; khách du lịch quốc tế tăng 70%... Nhưng sau cơn bão số 12, tình hình thay đổi hoàn toàn, Khánh Hòa phải đối diện với hàng loạt những khó khăn hiếm gặp, tác động mạnh đến việc hoàn thành kế hoạch năm 2017 và cả năm 2018.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có tổng cộng 45 người chết, 229 người bị thương, 2.817 căn nhà bị sập hoàn toàn và 115.585 căn nhà hư hỏng, tốc mái; hơn 300 trường học và 45 cơ sở y tế bị hư hỏng; trên 36.300ha hoa màu các loại bị ngập, hư hại; trên 370.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 35.785 lồng bè và hơn 1.750ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn...

Khó khăn lớn nhất của Khánh Hòa và Phú Yên là kinh phí khắc phục thiệt hại do bão số 12 gây ra, trong bối cảnh dự phòng chi ngân sách của tỉnh còn rất hạn hẹp, tổng thiệt hại quá lớn.

Trước tình hình đó, Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh việc giải quyết miễn giảm, gia hạn đối với các loại sắc thuế và các khoản thu từ đất cho doanh nghiệp; có biện pháp tín dụng phù hợp đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh đã bị thiệt hại nặng về tài sản, cơ sở sản xuất…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ bão số 12 là cơn bão có cường độ lớn đã đổ bộ vào các tỉnh Nam miền Trung, nhất là các địa phương ít khi có bão với cấp độ mạnh nên đã gây thiệt hại lớn.

Thủ tướng đánh giá các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng, chống, ứng phó nên đã giảm được thiệt hại do bão gây ra, tuy nhiên do bão lớn và địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên thiệt hại sau cơn bão số 12 là rất nặng nề.

Rút ra bài học kinh nghiệm từ cơn bão số 12, Thủ tướng nêu rõ bão có thể vào bất cứ khu vực nào trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay, chính vì vậy "không có khu vực nào an toàn tuyệt đối."

Từ nhận định đó, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương trong cả nước cần chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống lụt bão đến từng người dân.

"Phải thức tỉnh mọi người, đề cao cảnh giác để giảm thiệt hại," Thủ tướng nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn và gửi lời thăm hỏi ân cần tới Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên - hai địa phương bị tổn thất nặng nề và các hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 12.

[Thủ tướng thị sát công tác khắc phục hậu quả bão số 12 tại Khánh Hòa]

Thủ tướng nhận xét công tác khắc phục hậu quả bão số 12 đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung xử lý.

"Tinh thần lớn là đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân, đảm bảo sản xuất và đời sống, nhất là công nghiệp, nông nghiệp," Thủ tướng yêu cầu.

Từng cấp, từng ngành, địa phương cần có chương trình hành động cụ thể hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão, Thủ tướng chỉ đạo và chỉ ra những yêu cầu cụ thể như điều tiết giá cả thị trường, khắc phục tình trạng nhân công đắt đỏ...

Thủ tướng đề nghị Quân khu 5 tạm thời hoãn huấn luyện; lực lượng công an cần tiếp tục tham gia nhiệm vụ hỗ trợ người dân trở lại cuộc sống bình thường sau bão.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan phải sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh tình trạng chậm trễ trong xử lý, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp đến gần.

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bão lụt, không chủ quan, cần kiên quyết, thậm chí cưỡng chế các trường hợp thuộc diện phải di dời để đảm bảo an toàn; tránh để xảy ra thiệt hại đến tính mạng của người dân.

Thủ tướng lưu ý hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bên cạnh công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, phải lưu ý thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào thành tích chung của cả nước năm 2017.

Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị từ giờ đến Tết Nguyên đán, các địa phương này không được để dân thiếu đói. Chính phủ sẽ tiếp tục cấp gạo hỗ trợ các địa phương để đảm bảo mọi người dân đủ lương thực, nhất là những gia đình hư hỏng nhà cửa, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu không được để người dân thiếu đói sau bão số 12 ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng với đó, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi người dân, nhất là những gia đình thiệt hại nặng về người và tài sản. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, rau màu, nuôi trồng thủy sản bởi đây là sinh kế quan trọng của người dân trong vùng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị và hỗ trợ tốt về giống cây trồng, gia cầm, không để các tỉnh miền Trung lâm vào tình trạng khó khăn về sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, tăng cường các biện pháp thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa trong thời gian này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức các đoàn công tác để tháo gỡ khó khăn cho người dân theo hướng hoãn, giảm, khoanh nợ, tiếp tục cho vay mới và đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện tốt để tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng bão.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính có hướng dẫn về miễn giảm thuế theo đúng pháp luật, đặc biệt thúc đẩy các đơn vị bảo hiểm xác định thiệt hại, hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục để được nhận bảo hiểm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương kiểm tra các hồ đập, công trình thủy lợi, kịp thời khắc phục các vấn đề đặt ra.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, kiến nghị hỗ trợ lương thực cho người dân; trong đó phải đảm bảo lương thực được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng “bán gạo để làm giao thông nông thôn."

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý sử dụng một phần Quỹ Bảo trì đường bộ để khắc phục hư hỏng của một số công trình giao thông do bão số 12 gây ra.

Đáng chú ý, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh thiệt hại do bão, trong đó Phú Yên 170 tỷ đồng, Khánh Hòa 260 tỷ đồng và mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Thủ tướng sẽ ký quyết định hỗ trợ này ngay trong tối 30/11.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về các kiến nghị của hai tỉnh, trong đó có việc sử dụng nguồn dự phòng và tăng thu ngân sách giai đoạn 2018-2020 để khắc phục hậu quả; vấn đề giãn, hoãn thuế; giãn giảm miễn lãi suất đối với các hộ kinh doanh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục