Năm 2015, tiếp tục thực hiện nội dung "Xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp," tỉnh Thừa Thiên-Huế ra chỉ tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư đạt từ 2.500-3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 1.000-1.500 lao động.
Để đạt mục tiêu này, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp cho các nhà đầu tư và xem đây là điểm nổi trội trong chính sách thu hút đầu tư của Thừa Thiên-Huế trong năm 2015.
Cùng đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, giao thông, điện, nước đến sát công trình; chú ý hơn nữa đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, cảnh quan nhà máy, phòng cháy chữa cháy... nhằm tạo môi trường thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng hỗ trợ các nhà đầu tư trong đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án, doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Trong 4 khu công nghiệp hiện có của Thừa Thiên-Huế gồm Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Thu, Chân Mây thì khu công nghiệp Phú Bài được thành lập sớm nhất (giai đoạn I và II có tổng diện tích là 184,96 ha) với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ nên hoạt động có hiệu quả.
Đến nay đã có 28 doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp Phú Bài, lấp đầy diện tích giai đoạn I và II; riêng việc mở rộng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn III đang được chuẩn bị đầu tư hạ tầng với diện tích 118,5ha. khu công nghiệp Tứ Hạ có diện tích quy hoạch là 100ha...
Công ty Trách nhiệm hữu hạn JK Global (Hàn Quốc) làm chủ dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 khu công nghiệp Phong Thu, với diện tích quy hoạch là 100ha, tổng vốn đầu tư 6,5 triệu USD. Tại đây, chỉ riêng Công ty Scavi Huế sau khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 1.300 lao động tại chỗ.
Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô chỉ sau mấy năm thành lập đã thu hút khoảng 6.000 lao động. Dự tính đến năm 2015, khu kinh tế này cần khoảng 24.700 lao động và đến năm 2020 là hơn 70.000 lao động. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ tay nghề, có chuyên môn thích ứng đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm đầu tư.
Ở giai đoạn này, khi có sự liên thông giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp thì việc đầu tư thích đáng cho các nghề trọng điểm như công nhân lành nghề vận hành được các máy tự động, ứng dụng phần mềm chuyên dùng trong lắp ráp các linh kiện, trong chế biến nông-lâm-hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng cơ khí, kim khí để cung cấp lao động cho các khu công nghiệp.
Trong quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục thành lập mới thêm các khu công nghiệp Quảng Vinh (huyện Quảng Điền); nâng cấp các cụm công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang), La Sơn (huyện Phú Lộc) thành khu công nghiệp; đồng thời mở rộng thêm các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Thu... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương trong giai đoạn mới.
Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất, vai trò của các khu công nghiệp đối với nền kinh tế của địa phương sẽ được làm rõ. Phương án quy hoạch các khu công nghiệp sẽ chú ý đến việc tái định cư di dân giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở cho công nhân cùng các vấn đề về quy hoạch xử lý nước thải, rác thải trong từng khu công nghiệp...
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2014, các khu công nghiệp đã có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh 9 giấy chứng nhận với tổng vốn trên 2.250 tỷ đồng.
Tính tổng cộng đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút 92 dự án có hiệu lực (70 dự án trong nước và 22 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư trên 19.587 tỷ đồng.
Tổng vốn thực hiện của các dự án đến nay là 7.397 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đăng ký, trong đó 3.425 tỷ đồng nguồn vốn thuộc dự án FDI; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 27%, riêng khu công nghiệp Phú Bài đạt 97,9%.
Doanh thu trong các khu công nghiệp đạt 13.030 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013; thu hút thêm 1.100 lao động, nâng tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp lên 17.084 lao động.../.