Cơn bão lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay - cơn bão số 5 đã để lại thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo thống kê, bão số 5 đã làm 3 người chết, 95 người bị thương, 10 nhà bị sập, hơn 21.000 nhà bị tốc mái và hàng ngàn hécta rau màu, rừng, cây ăn quả bị thiệt hại.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhanh chóng ra quân không kể ngày đêm để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, sớm quay về với cuộc sống thường ngày.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bà Trương Thị Gái (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã lường trước được mức độ nguy hiểm của cơn bão, nhưng một mình neo đơn bà chẳng thể phòng, chống được gì cho căn nhà cấp 4 của mình.
Sau bão, toàn bộ ngói vỡ nát và tôn trên mái hiên của căn nhà cũng theo gió quật mạnh bay xiêu vẹo. Nỗi khó khăn của bà Gái sau đại dịch COVID-19 càng nặng nề hơn khi cơn bão số 5 đi qua.
Đứng dưới gian nhà ngổn ngang, bà Gái xúc động chia sẻ, trong lúc đang không biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu thì 10 cán bộ, chiến sỹ bộ đội áo xanh đã đến đây giúp bà dựng cây gãy, lợp lại mái ngói mới để bà có nơi trú mưa, tránh nắng vững chãi hơn trong những ngày tháng tiếp theo.
[Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bão số 5]
Với tinh thần hết mình hỗ trợ cho người dân, xem bà con như chính người thân, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội không chỉ động viên tinh thần mà còn trở thành lực lượng chính xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa cho bà con nhân dân xã Phong Hiền.
"Sau khi nhận nhiệm vụ của cấp trên, tôi cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng có mặt tại xã để giúp người dân khắc phục hậu quả bão lụt. Sau khi chứng kiến thiệt hại của nhiều bà con hoàn cảnh éo le, tôi dặn lòng sẽ cố gắng góp sức mình để giúp họ sớm vượt qua cơn hoạn nạn," Binh nhất Trần Gia Hưng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết.
Phong Điền là một trong những địa phương tại Thừa Thiên-Huế hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão số 5.
Sau khi cơn bão đi qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ thường trực cùng dân quân tự vệ và các lực lượng tại huyện dọn dẹp vệ sinh, thu dọn cây cối bị gãy đổ trên các tuyến đường liên thôn, thiên xã và các trường học. Bước đầu giải tỏa được ách tắc giao thông tại địa phương, giúp bà con đi lại bình thường.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền, cho hay trước mắt đơn vị tập trung ưu tiên giúp đỡ các gia đình neo đơn, chính sách, hộ nghèo trên địa bàn sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây cối bị gãy ngã để bà con có thể sớm ổn định lại được cuộc sống.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 20 trường học bị tốc mái, sập hàng rào, hư hỏng thiết bị dạy học; đặc biệt, hầu hết các cây xanh xung quanh và trong khuôn viên các trường học bị đổ ngã, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Cơn bão cũng khiến toàn bộ học sinh các cấp phải nghỉ học trong 2 ngày (18-19/9).
Để đảm bảo cho các em được đến trường, giữ tiến độ học tập sau thời gian dài nghỉ dịch COVID-19, các chiến sỹ bộ đội cụ Hồ toàn tỉnh khẩn trương cùng các giáo viên thu dọn cây cối, sửa chữa các hạng mục bị bão làm hư hỏng, trả lại mỹ quan cho trường học. Tuy lượng công việc lớn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, công tác khắc phục tại các cơ sở giáo dục đã cơ bản hoàn thành.
Trung tá Phan Thắng-Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết ngay trong chiều 18/9 khi bão đi qua, đơn vị đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sỹ bộ đội thường trực và lực lượng dân quân tự vệ về các địa phương bị thiệt hại nặng như thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc và thành phố Huế để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão; phối hợp chính quyền các địa phương tổng vệ sinh, dọn dẹp hệ thống cây xanh bị đỗ gãy, đảm bảo lưu thông trên tất cả các tuyến đường.
Trong hai ngày tiếp theo, đơn vị đã tăng cường hơn 3.600 cán bộ, chiến sỹ cùng dân quân tự vệ về các địa phương để nhanh chóng hỗ trợ, trả lại cuộc sống thường nhật cho người dân./.