Ngày 8/2 (mùng 1 Tết Bính Thân), các tuyến đường phía Tây Nam thành phố Huế dẫn đến các chùa đông kín người. Những năm gần đây, du lịch tâm linh phát triển mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và thu hút khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế trong những ngày đầu năm mới.
Thừa Thiên-Huế là một trong số ít những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh khi trên địa bàn có tới 55 vạn tín đồ Phật giáo, hơn 100 ngôi chùa, niệm phật đường; trong đó có nhiều Tổ đình như Từ Đàm, Thiên Mụ rất khang trang và bề thế.
Thời gian qua, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đã có tác động tích cực, mạnh mẽ đến hoạt động ở các lĩnh vực này.
Từ sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, chùa Thiên Mụ đã được đầu tư bảo tồn, tu bổ với tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một số điểm tuy mới được hình thành nhưng đã rất hấp dẫn du khách. Điển hình Trung tâm văn hóa Huyền Trân cách thành phố Huế 7km về phía Tây, tại vùng núi Ngũ Phong thuộc xã Thủy An trên khuôn viên rộng 28ha. Công trình bao gồm đền thờ và tượng đồng Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa Bình, hệ thống đường đạo, công viên...
Từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp tổ chức hội thảo "Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch" nhằm khai thác, phát triển du lịch tâm linh ở Huế. Sau đó, một số chùa ở Huế với sự hợp tác của các đơn vị lữ hành đã hình thành tour du lịch để khách tu tập, học thiền ở lại chùa.
Các điểm đến du lịch tâm linh ở Thừa Thiên-Huế đã được khai thác gồm Khu du lịch tâm linh Quán Thế Âm, Huyền Không Sơn Thượng, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã, Đền thờ Huyền Trân công chúa, Tượng đài Hoàng đế Quang Trung...
Để du lịch tâm linh ở Thừa Thiên-Huế phát triển, bên cạnh việc tôn tạo các di tích, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp, các giá trị văn hóa, tâm linh./.