Cùng với việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực vận động và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, nhất là tại các địa bàn vùng cao A Lưới, Nam Đông.
Vận động học sinh đến trường
Những ngày qua, tại Trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo (huyện A Lưới) các thầy cô giáo tất bật vệ sinh khuôn viên trường học, trang trí các lớp học, phòng chức năng để đón học sinh vào năm học mới. Ngay từ giữa hè, nhà trường đã chủ động rà soát lập danh sách cụ thể học sinh và phụ huynh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động các em đến trường theo đúng thời gian quy định.
Năm học này, toàn trường có 465 học sinh đang sinh sống tại 3 xã biên giới gồm Hồng Thượng, Phú Vinh và A Ngo; trong đó có 212 học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác vận động học sinh đến trường nên việc tuyển sinh đầu cấp đạt kế hoạch đề ra và tỷ lệ chuyên cần học sinh của trường luôn đạt cao trong những năm gần đây.
Theo cô Trần Thị Tỷ Muội, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn đến các thôn bản, vào từng nhà để chia sẻ thông tin tuyển sinh đến phụ huynh và vận động học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè. Nhà trường vận động các nhà hảo tâm tặng 100 suất quà (gồm đồ dùng học tập và máy tính bỏ túi) vào dịp khai giảng năm học mới.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để ký cam kết phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục toàn diện và không để học sinh bỏ học. Đồng hành cùng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đang nhận nuôi 7 em học sinh, hàng tháng hỗ trợ 10 kg gạo và nhiều đồ dùng học tập.
Huyện A Lưới hiện có 44 cơ sở giáo dục với gần 13.000 học sinh các cấp từ bậc Mầm non đến Trung học Phổ thông, trong đó có đến 90% học sinh là người dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều… Để đảm bảo cho con em trên địa bàn huyện được tựu trường kịp thời, ngay từ giữa hè, đội ngũ giáo viên các trường đã đi tuyên truyền đến từng thôn, bản; lập các tổ vận động phối hợp cùng chính quyền, già làng, trưởng bản, người có uy tín vận động học sinh đến trường.
Nhiều trường đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, mua sắm áo quần mới, dụng cụ học tập cho học sinh hoàn cảnh khó khăn để con đường đến trường của các em bớt phần khó khăn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới Hồ Văn Khởi cho biết, xác định việc vận động học sinh đến trường là việc làm hết sức quan trọng, từ đầu tháng 7, Phòng chủ động chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai tốt công tác huy động trẻ đến trường.
Đặc biệt là rà soát, thống kê đầy đủ số trẻ trong độ tuổi đến trường để công tác vận động đạt hiệu quả; nhờ đó tình trạng học sinh bỏ học những năm gần đây giảm đáng kể.
Để đảm bảo đủ sách giáo khoa, Phòng tổ chức rà soát hỗ trợ kịp thời và kết nối với các nhà hảo tâm tặng sách miễn phí, thành lập tủ sách dùng chung cho những em có hoàn cảnh khó khăn mượn sách. Năm học này, kinh phí đầu tư để xây mới, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn huyện là hơn 60 tỷ đồng.
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất
Năm học 2023-2024, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 570 trường mầm non và phổ thông; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ; công tác chuẩn bị sách giáo khoa, điều kiện học tập của học sinh; tổng vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, sẵn sàng đón học sinh.
[Hành trình “cõng tiếng Anh” đến với những học sinh vùng cao Yên Bái]
Đến cuối tháng 8/2023, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo, vệ sinh trường lớp; tổ chức trang trí cờ hoa, dọn dẹp khuôn viên sạch đẹp chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.
Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn được đầu tư về cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 406 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác; tăng 7 % so với năm học trước.
Theo đó, toàn tỉnh có 216 phòng học được đầu tư mới, 227 phòng học được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa và 215 phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo. Các đơn vị cũng huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa mua tặng sách giáo khoa cho các em khó khăn tại địa phương, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa phục vụ học tập cho năm học mới.
Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Thừa Thiên-Huế tập trung triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng chương trình giáo dục hiện hành, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mới; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế Nguyễn Tân, năm học mới, ngành tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Ngành chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện; tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong dạy và học, đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi./.