Để góp phần bảo vệ rừng và bảo tồn quần thể loài Sao la cũng như các loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm khác như Mang lớn và Mang Trường sơn..., tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao la.
Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên-Huế có diện tích 15.519 ha, với phần rộng lớn rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại tại khu vực Trung Trường Sơn.
Đây là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực và trên toàn thế giới.
Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế kết nối với Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam, vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn quốc gia Xê Sáp của Lào, tạo thành một hành lang bảo tồn liên tục và thống nhất.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế cho biết, việc hình thành Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao la nhằm tăng cường sức mạnh, tính pháp lý trong thực thi pháp luật bảo vệ rừng, chủ động trong việc xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế hiện đang được khoanh vùng bảo vệ với các phân khu chức năng riêng biệt, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.
Đặc biệt, cùng với diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại khu vực Trung Trường Sơn, đây trở thành nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực và trên toàn thế giới, là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng, thỏ vằn và còn nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố.
Rừng Thừa Thiên - Huế với hệ động, thực vật hết sức phong phú; có trên 1.728 loài thực vật bậc cao, nhiều loài có giá trị kinh tế như trầm hương, chò đen, lim xanh, gụ, kiền kiền...
Tài nguyên động vật rừng rất phong phú với sự xuất hiện và phân bố các loài động vật quý hiếm, như hổ, Sao la, vượn đen má trắng, mang lớn và nhiều loài chim, ếch nhái, bò sát...
Ở đây, từng phát hiện gà lôi lam mào trắng - loài đặc hữu tưởng rằng đã tuyệt chủng trên thế giới từ năm 1924 là món quà quý dành tặng cho công lao của những cán bộ kiểm lâm sau một thời gian dài lặn lội với rừng. Giống gà này đang được nuôi và bảo vệ tốt.
Trước đó, một chú hổ con bị thương nặng cũng được phát hiện và cứu hộ thành công từ tay những kẻ buôn thú hoang dã.
Con hổ này đã được chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội và đã sinh sản được 4 hổ con khỏe mạnh.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã giải cứu được một con Sao la ở huyện miền núi A Lưới và nhiều loài khác như gà lôi lam, Sao la non...
Những việc làm trên là căn cứ để WWF - Việt Nam (tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên) thông qua dự án Hành lang Xanh hỗ trợ và hợp tác cùng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá đa dạng sinh học của khu vực bảo tồn, giúp tìm kiếm dấu vết chân, thức ăn của các loài động vật quý hiếm nói trên.../.