Ngồi trên những chiếc thuyền nan do chính những người dân bản địa ở Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình) vừa chèo thuyền vừa hướng dẫn về lịch sử văn hóa của vùng đất là một trải nghiệm thú vị khi khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước này.
Trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Chín hằng năm, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long luôn tấp nập du khách đến khám phá cảnh quan.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên vùng đất này là nghe ông Nguyễn Đình Tân, người quản lý tour khám phá Vân Long giới thiệu về thắng cảnh du lịch ở quê mình. Ông kể câu chuyện về một vị khách du lịch đến từ nước Pháp tên là Robest đi tìm địa danh ghi trong cuốn hồi ký của bố mình, từng là cựu binh tham chiến ở Việt Nam.
Trong cuốn hồi ký đó, có đoạn ghi rằng: “Ngày 24/9/1943... Trên đường hành quân ở Bắc Bộ có một vùng đất ngập nước kỳ lạ. Ở đây mùa Thu chim kéo về ngợp trời. Chiều chiều, từng đoàn khỉ, vượn từ trên núi xuống uống nước, kiếm ăn như một chốn chưa có dấu chân người khai phá...”
Robest đã đến Gia Viễn vào mùa Thu năm 2011 và mang theo những dòng chữ trong cuốn hồi ký đó tìm hỏi người dân bản địa. Được giới thiệu và đi thăm thú Vân Long trong một ngày, Robest khẳng định rằng đây chính là vùng đất kỳ lạ mà cha ông từng đóng quân thời viễn chinh xưa.
Câu chuyện của Robest chỉ mang tính chất tham khảo về vùng đất Vân Long nhưng nó cũng khiến chúng tôi tò mò khám phá.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long rộng hơn 3.500ha, bao quanh bởi tuyến đê bêtông dài hơn 20km. Xung quanh Khu bảo tồn là những làng quê mang đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà du khách nước ngoài rất thích khi khám phá bằng những chuyến xe bò hoặc xe đạp tận hưởng vẻ thanh bình chốn dân dã.
Còn nếu muốn khám phá cảnh quan Khu bảo tồn Vân Long, du khách chỉ có thể chọn cho mình cách di chuyển bằng thuyền nan do chính người dân bản địa chèo và hướng dẫn trên con đường thủy độc đạo từ bến Vân Long vào Khu bảo tồn.
Chiếc thuyền nan của người dân bản địa ở đây được dùng rất đa năng. Nếu trước đây, những chiếc thuyền nan này dùng làm phương tiện đi lại, đánh bắt cá tôm trên những vùng đất ngập nước thì từ khi Vân Long phát triển thành khu du lịch sinh thái đã có khoảng 400 chiếc được dùng để chở khách du lịch. Với giá 75.000 đồng/khách, đây là dịch vụ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân sinh sống trong vùng.
Hành trình của chúng tôi được cô lái đò Thúy Lan mô tả là sẽ đi theo hướng Bắc của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, sau đó thuyền sẽ chạy men theo chân núi ra hướng Đông.
Chiếc thuyền nan đưa chúng tôi đi qua một con lạch rất nhỏ về hướng chân núi. Xung quanh lau, lách xanh mướt, nhìn xuống dưới nước có thể thấy cả những lớp tảo xanh rì thấp thoáng từng đàn cá bơi lội.
Thuyền chúng tôi rẽ lau lách đón từng làn gió mát rượi từ hướng Đông thổi vào làm lay động cả một vùng non nước bình yên. Xa xa những chiếc thuyền câu của người dân bản địa in bóng nước, chỉ cần một chú cá nhỏ ngoi lên mặt nước đớp không khí cũng làm sóng nhỏ lan cả một vùng.
Như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, Thúy Lan kể cho chúng tôi nghe sự tích về một hòn núi cao nhất ở đây. Ngày xưa, có một nàng tiên thăm thú trần gian đi qua đỉnh núi này, thấy phong cảnh hữu tình nàng liền dừng lại ngắm cảnh thì gặp và đem lòng yêu một chàng trai nghèo sống ở trên núi mài nghiên đọc sách.
Chuyện tình của giữa cõi tiên và cõi đời của họ bị trời phạt biến thành hai ngọn núi có tên là núi Nghiên và núi Cô Tiên đứng gần nhau nhưng muôn kiếp không thể thành vợ, thành chồng.
Trên hành trình tiếp theo chúng tôi vượt những ngọn núi có tên gắn liền với những sự tích thú vị như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn...
Thú vị nhất là khi chúng tôi đến khu vực đảo cò vào lúc chiều tà. Đây là khu vực rừng cây ngập nước nằm giữa một vùng lau lách, là nơi tập trung các loài chim di cư về cư trú vào mùa Đông.
Vào thời gian này, nhiều loài chim di cư từ phương Bắc như đại bàng Bonelli, diệc xám, cò ngàng lớn, mồng két, cò bợ, cò trắng, vạc tập trung về bay rợp trời, tạo nên một bức tranh sông nước, trời mây, cò bay cực kỳ lý thú.
Khi nắng chiều đã tắt sau những dãy núi đá vôi trùng điệp, cũng là lúc Thúy Lan thông báo cho chúng tôi biết rất có thể sẽ gặp voọc từ trên núi xuống đầm uống nước, kiếm ăn.
Chúng tôi thấy trên một hẻm núi có một chú voọc to đang bám lơ lửng trên mõm núi. Nhìn thấy thuyền chúng tôi, chú voọc trèo sâu vào tán lá rậm rạp.
Theo kinh nghiệm của Thúy Lan, vào những ngày trời ẩm ướt, mây mù có thể gặp cả đàn voọc lên đến hơn chục con từ trên núi xuống. Nếu gặp du khách đi thuyền, đàn voọc sẽ tản ra rồi í ới gọi nhau lên núi.
Cuối ngày, mây trời bảng lảng, xa xa tiếng đàn cò rúc gọi bầy, tiếng xào xạc của một vùng lau lách gợi nên những âm thanh rất đỗi thanh bình của một vùng non nước bình yên./.