Thúc đẩy đầu tư vào vàng nhìn từ quan điểm của Chính phủ Nga

Theo nhà phân tích Mark Goykhman, từ quan điểm của nhà nước, chính sách đối với thị trường vàng góp phần giải quyết một số vấn đề cùng lúc.
Thúc đẩy đầu tư vào vàng nhìn từ quan điểm của Chính phủ Nga ảnh 1Vàng miếng được sản xuất tại Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Trong thời gian gần đây, nhu cầu của người dân đối với kim loại quý, đặc biệt là vàng miếng, đã tăng mạnh ở Nga. Đây không chỉ là một giải pháp thay thế cho các khoản đầu tư vào ngoại tệ mạnh như đồng USD và euro, mà còn cho thấy sự linh hoạt chính sách của Chính phủ Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây liên tục áp đặt đối với nước này.

Báo Kommersant đã khảo sát các ngân hàng về nhu cầu của người dân Nga đối với vàng miếng kể từ khi chính phủ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với việc bán kim loại quý.

Giải pháp thay thế cho USD...

Theo kết quả khảo sát, trong 5 tháng, khách hàng của Sberbank đã mua tổng cộng 10,9 tấn vàng miếng.

Giữa tháng Tư, Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) thông báo đã bán 2 tấn vàng miếng cho khách hàng, nhưng ngân hàng này từ chối tiết lộ thêm số liệu gần đây.

Ngân hàng PSB cho biết đã bán 1 tấn vàng miếng cho các khách hàng tư nhân trong 4 tháng gần đây, trong khi các ngân hàng lớn khác (RSHB, MKB, Sovcombank) cũng ghi nhận nhu cầu vàng cao, nhưng không công bố các chỉ số thống kê cụ thể.

[Ngân hàng VTB của Nga triển khai dịch vụ chuyển tiền đến Việt Nam]

Các ngân hàng đều ghi nhận nhu cầu cao về vàng thỏi ở mọi kích cỡ. Trong đó, vàng thỏi có trọng lượng lớn chiếm một phần đáng kể trong tổng số vàng bán ra ở các ngân hàng. Cá biệt, tại ngân hàng VTB có các giao dịch vàng thỏi với trọng lượng lên tới 100kg.

Ngoài ra, khách hàng của ngân hàng MKB quan tâm đến các thỏi vàng tiêu chuẩn từ 11-13kg.

Tại Sovcombank, khách hàng thường mua thỏi vàng tiêu chuẩn có trọng lượng 1kg hoặc 12,5kg. Tại ngân hàng Rosselkhozbank, doanh số bán hàng dẫn đầu là vàng thỏi 5g và 10g.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng đầu tư vào vàng sẽ là một giải pháp thay thế lý tưởng cho việc mua đồng USD trong bối cảnh tình hình địa chính trị không ổn định.

Nhu cầu mua vàng miếng tại Nga đã tăng ngay sau khi chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế.

Ttrước đây, khi mua vàng miếng ở ngân hàng, khách hàng phải trả 20% thuế VAT. Ngoài ra, thuế thu nhập từ bán vàng miếng (với thuế suất 13%) cũng được bãi bỏ kể từ tháng Sáu vừa qua.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Expert.ru, chuyên gia Sergey Uskov, đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Aravana MFO, xác nhận sau khi các nhà chức trách hủy bỏ thuế VAT đối với việc mua bán vàng của người dân, nhu cầu đối với kim loại quý này thực sự tăng lên.

Chuyên gia trích dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho thấy, một khoản tiền mặt tương đương 1.000 tỷ ruble (16 tỷ USD) đã được rút từ các khoản tiền gửi bằng đồng ruble tại các ngân hàng trong nước.

Phần lớn dòng tiền này được đầu tư vào vàng. Ngoài ra, nếu nhìn vào cơ cấu nhu cầu đối với kim loại quý, có thể thấy rằng người dân quan tâm đến thỏi vàng tiêu chuẩn 1kg và thỏi lớn 12,5kg.

... có thật sự hiệu quả?

Chuyên gia Uskov lý giải tình hình hiện nay đối với nhu cầu về vàng miếng ở Nga là “sự đa dạng hóa đầu tư tư nhân xuất phát từ việc thiếu nhiều lựa chọn thay thế hoặc các cơ hội đầu tư khác.”

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng bất chấp nhu cầu cao của người dân, giá vàng miếng sẽ khó tăng và các ngân hàng sẽ áp dụng mức chiết khấu đáng kể khi thu mua lại vàng từ người tiêu dùng.

Theo chuyên gia Sergei Uskov, các công ty khai thác vàng ở Nga bị mất quyền truy cập vào hệ thống Sàn giao dịch kim loại London (LME) do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, do đó nguồn cung vàng đáng kể phục vụ cho xuất khẩu được định hướng trở lại thị trường nội địa.

Chuyên gia cho rằng lợi nhuận thực tế của những khoản đầu tư như vậy là không cao. Không giống như các khoản đầu tư khác, vàng không cung cấp thu nhập thụ động như cổ tức, tiền lãi...

Ngoài ra, trong những tháng gần đây vàng đã cho thấy sự sụt giá mạnh không chỉ so với đồng ruble, mà còn so với đồng USD trên thị trường thế giới.

Từ mức trên 2.000 USD/ounce được giao dịch vào tháng 3/2022, giá vàng trên thị trường thế giới đã giảm xuống còn 1.800 USD/ounce vào đầu tháng 8, tức là vàng đã mất 10% giá trị trong 5 tháng. Con số này thậm chí có thể tăng lên 24% nếu không có sự biến chuyển đến cuối năm.

Xu thế này có thể tiếp tục được duy trì trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương hàng đầu khác tiếp tục tăng lãi suất. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự mạnh lên của đồng USD và làm giảm giá vàng.

Tuy nhiên, vào năm 2023, một cuộc suy thoái quy mô lớn dự kiến sẽ xảy ra ở các nền kinh tế hàng đầu, và điều này có thể làm suy yếu các đồng tiền đáng tin cậy, và ngăn chặn việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Theo quan điểm kinh tế, giá vàng hiện tại có thể được coi là không hấp dẫn vì các điều kiện để đầu tư vào vàng thỏi là không thuận lợi. Chẳng hạn ngày 5/8, ngân hàng Sberbank áp dụng giá bán ra cao hơn tới hơn 25% so với giá mua vào, khiến người mua cá nhân sẽ bị thiệt trong lần bán sau đó, làm giảm mạnh lợi tức đầu tư.

Ngoài ra, mức chênh lệch giá trong nước và thị trường quốc tế vẫn rất đáng kể nếu quy đổi ra USD.

Để mua một ounce vàng, người mua cá nhân ở Nga phải chi 134.400 ruble, tương đương 2.239 USD. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế 1 ounce vàng có giá 1.806 USD.

Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý rằng vàng thỏi cần được cất giữ ở đâu đó và cần khoản kinh phí hoặc quỹ nhất định để chi cho việc cất giữ, bởi đây cũng là tài sản có nguy cơ mất mát và trộm cắp. Mọi hư hỏng, trầy xước đều làm giảm mạnh giá trị của tài sản này.

Từ góc độ quản lý nhà nước

Chuyên gia phân tích tài chính Mark Goykhman cũng cho rằng vàng miếng là một khoản đầu tư gây tranh cãi đối với đầu tư cá nhân. Theo ông, vàng xuất hiện với hầu hết các nhà đầu tư dưới hai hình thức và điều này ảnh hưởng đến giá vàng.

Theo truyền thống, đây là một tài sản “bảo vệ,” nhu cầu tăng lên khi có rủi ro trên thị trường, lạm phát gia tăng và/hoặc sự không chắc chắn.

Tuy nhiên, vàng cũng là một công cụ “chống đôla,” có nghĩa là một công cụ có báo giá di chuyển theo hướng ngược lại với đồng USD.

Sự gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng này xuất phát từ việc lạm phát tăng mạnh, khả năng đồng ruble tiếp tục mất giá, sự hoảng loạn và lo sợ về “các trận đại hồng thủy kinh tế” có thể sắp xảy ra.

Những điều này buộc mọi người dân phải tìm kiếm cơ hội để tiết kiệm và chuẩn bị phương kế sinh nhai trong tương lai.

Ngoài ra, các hạn chế đã được đưa ra đối với các hoạt động mua và chuyển tiền tệ. Tất cả những điều này cùng nhau làm tăng nhu cầu đối với tài sản “được bảo vệ” truyền thống là vàng.

Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích các khoản đầu tư như vậy bằng mọi cách có thể. Thuế giá trị gia tăng đã được hủy bỏ khi mua vàng thỏi và thuế thu nhập cá nhân khi bán mặt hàng này cũng đã được miễn trừ.

Các ngân hàng nhà nước đã mở rộng các khả năng kỹ thuật của việc mua vàng, bao gồm cả phạm vi, quy mô và số lượng điểm mua-bán.

Theo nhà phân tích Mark Goykhman, từ quan điểm của nhà nước, chính sách đối với thị trường vàng góp phần giải quyết một số vấn đề cùng lúc.

Đầu tiên là chuyển các quỹ tự do của dân chúng khỏi thị trường tiêu dùng nhằm làm giảm nhu cầu hàng hóa tăng cao và lạm phát.

Thứ hai là giảm nhu cầu về tiền tệ vật lý trong nước.

Thứ ba là cung cấp cho người dân một công cụ đầu tư đáng tin cậy nhất định khi đối mặt với rủi ro thị trường chứng khoán giảm.

Thứ tư, bổ sung cơ sở tài chính của hệ thống ngân hàng bằng nguồn tiền “miễn phí,” không phải trả lãi suất, đảm bảo hoàn vốn từ các hãng bảo hiểm tiền gửi. Điều này là một giải pháp thay thế tốt đối với các khoản tiền gửi có lãi cao từ các quỹ.

Thứ năm, trong trường hợp cần thiết, nhà chức trách có thêm cơ hội cơ động chính sách, bao gồm việc bán vàng từ dự trữ vàng, vì phần tiền tệ của dự trữ vàng của Nga đang bị phong tỏa bởi các lệnh trừng phạt.

Và cuối cùng, hỗ trợ các nhà sản xuất vàng trong nước, những người được mua vàng miếng và các kênh phân phối khác bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Ở góc độ nhà đầu tư, vàng là một công cụ bảo vệ truyền thống trước lạm phát, thảm họa ngân hàng và nguy cơ "đóng băng" tài khoản. Đây là một tài sản thực, hữu hình và ở một mức độ nào đó, thậm chí là một nguồn lực của niềm tự hào.

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, Chính phủ Nga đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp điều chỉnh tình tình để lợi ích của nhà nước và người dân xích lại gần điểm giao nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.