Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở, giải quyết thách thức Chuyển đổi Số

Các chia sẻ của chuyên gia quốc tế và của các giám đốc công nghệ các tập đoàn lớn là kinh nghiệm quý để Việt Nam có thể có những bước đi hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở.
Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở, giải quyết thách thức Chuyển đổi Số ảnh 1Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc sự kiện. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 20/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Ngày Đổi mới Sáng tạo mở năm 2023.

Đây là sự kiện về Đổi mới Sáng tạo mở đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của hơn 100 chuyên gia đầu ngành từ cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, các trường, viện nghiên cứu, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp… trong và ngoài nước.

Khai mạc sự kiện, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, cho biết trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của thế giới phẳng đòi hỏi mỗi nước phải có một sáng kiến để triển khai Đổi mới Sáng tạo mở một cách sáng tạo hơn.

Việt Nam đang có những bước chuyển mình trong Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo với tâm điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn sẽ có tạo ra sự đột phá trong thời gian tới.

“Đổi mới Sáng tạo mở đang được các nước trong ASEAN cùng nhau cạnh tranh và phát triển để thu hút nguồn lực tiềm năng và nhân lực tài năng. Doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường quốc tế, phát triển thị trường buộc phải mở từ tư duy đến 'trái tim,' 'sải chân' dài hơn, 'cánh tay' dài hơn để kết nối với nhau," ông Phạm Hồng Quất nhận định.

[Cơ hội hợp tác về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Singapore-Việt Nam]

Nêu lên ví dụ của Singapore, ông Quất cho biết khi COVID-19 xảy ra, Singapore đã thu hút được hơn 50 tập đoàn và hơn 100 trường đại học lớn trên thế giới cùng giải quyết thách thức mang tính toàn cầu này.

Do đó, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ kỳ vọng tại Ngày Đổi mới Sáng tạo mở năm 2023, các chia sẻ của chuyên gia quốc tế từ Singapore, Tunisia, Phần Lan, các giám đốc công nghệ của các tập đoàn lớn sẽ là kinh nghiệm quý để Việt Nam có thể có những bước đi hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở.

Từ Singapore, ông Andrew Khaw, Giám đốc Khu vực châu Á, Quan hệ Chính phủ, Đông Nam Á và châu Đại Dương của Tập đoàn Samsung cho rằng, để thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở, trước hết, các quốc gia phải trở thành Chính phủ Số. Đây là chìa khóa để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong mỗi quốc gia.

Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo mở, giải quyết thách thức Chuyển đổi Số ảnh 2Ông Raimund Klein, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Trung tâm Chuyển đổi công nghiệp toàn cầu (INCIT) trình bày tham luận tại sự kiện. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo ông Andrew Khaw, Chính phủ phải đóng vai trò dẫn dắt trong Chuyển đổi Số bằng cách hiện đại hóa các dịch vụ công như dịch vụ hành chính công, quản lý chăm sóc sức khỏe điện tử…

Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách trở thành người dùng đầu tiên, đánh giá sản phẩm của họ, rồi đưa ra các chương trình hỗ trợ thí điểm cho các doanh nghiệp này. Từ đó, mới có thể kích thích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo.

Với chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo giải quyết thách thức Chuyển đổi Số: Trao quyền cho Tương lai Số Việt Nam," tại sự kiện Ngày Đổi mới Sáng tạo mở năm 2023, các chuyên gia đã tích cực trao đổi và thảo luận về những thách thức mà các doanh nghiệp/tập đoàn đang đối mặt trong hành trình áp dụng sáng kiến Chuyển đổi Số.

Cùng với đó, những câu chuyện mô hình, bài học thực tiễn về Đổi mới Sáng tạo mở trong các doanh nghiệp khởi nghiệp tiên phong Chuyển đổi Số được chia sẻ.

Khái niệm Đổi mới Sáng tạo mở được công bố bởi Giáo sư Henry Chesbrough vào năm 2003, là việc một tổ chức tiếp nhận nguồn lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, để thúc đẩy quá trình cách tân nội bộ và mở rộng thị trường tương ứng.

Theo báo cáo của IBM, 84% các nhà quản lý cấp cao cho rằng Đổi mới Sáng tạo mở đóng vai trò quan trọng cho chiến lược phát triển trong tương lai, đồng thời là phương thức khai phóng tiềm năng bên trong nội tại của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục