Thúc đẩy hàng hóa Việt thâm nhập hệ thống phân phối của Italy

Bộ Công Thương và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối của Italy.
Thúc đẩy hàng hóa Việt thâm nhập hệ thống phân phối của Italy ảnh 1Tổng thư ký Phòng Thương mại vùng Emilia-Romagna, ông Claudio Pasini phát biểu trong buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Ngự Bình/Vietnam+)

Từ ngày 23-26/7, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, chính quyền các vùng Emilia-Romagna và Lazio, Liên minh Hợp tác xã Quốc gia Italy (LegaCoop), Hệ thống hợp tác xã hàng tiêu dùng Italy (Coop Italy), Trung tâm phân phối nông sản thực phẩm Rome (C.A.R) tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại hai thành phố Bologna và Rome nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, sản phẩm vào mạng lưới phân phối của Italy thông qua hai hệ thống quan trọng là Coop Italy và Conad.

Trong khuôn khổ chương trình tại Bologna (thuộc vùng Emilia-Romagna), đoàn doanh nghiệp Việt Nam do ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại vùng Emilia-Romagna, hệ thống phân phối Coop Italy, tham quan hệ thống siêu thị của Coop Italy.


[Hội thảo quảng bá “Vietnam Foodexpo 2017” với doanh nghiệp Italy]

Các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi trực tiếp với một số nhân sự phụ trách mua sắm của chuỗi siêu thị Coop Italy về vấn đề tiêu chuẩn chất lượng cho từng mặt hàng cũng như các yêu cầu để nhập hàng hóa vào bán trực tiếp trong hệ thống siêu thị này.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại vùng Emilia-Romagna, ông Claudio Pasini đã đánh giá cao tiềm năng phát triển của các nước ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ông Pasini, Việt Nam hiện là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư của vùng Emilia-Romagna.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Italy ngày càng được thắt chặt. Tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ giao thương kinh tế và thương mại song phương.

Thúc đẩy hàng hóa Việt thâm nhập hệ thống phân phối của Italy ảnh 2Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến thăm hệ thống siêu thị của Coop Italy. (Ảnh: Ngự Bình/Vietnam+)

Đánh giá về chất lượng hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, ông Pasini cho rằng trong những năm gần đây, các sản phẩm Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cải thiện đáng kể về chất lượng.

Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ có chất lượng cao. Các trường đại học tại Việt Nam đào tạo được lực lượng sinh viên với kỹ năng và kiến thức rất tốt, đáp ứng được các công việc.

Chính vì lý do đó, khả năng cạnh tranh của Việt Nam cũng gia tăng, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm được cải thiện. Đây chính là những đặc điểm, yếu tố mang lại thành công của Việt Nam ở thị trường châu Âu nói riêng và thị trường thế giới nói chung.

Dự kiến trong năm 2018, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực và điều này sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Italy và Việt Nam. Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động, là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Pasini cũng cho hay vùng Emilia-Romagna hiện đã có văn phòng đại diện tại tỉnh Bình Dương và văn phòng này có nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế với các vùng, miền của Việt Nam.

Xuất khẩu của Emilia-Romagna sang Việt Nam đạt 179,5 triệu USD trong năm 2016 và con số này dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Về phần mình, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu Đặng Hoàng Hải cho biết đây là lần thứ 2 Bộ Công Thương tổ chức hoạt động quảng bá hàng Việt Nam tại Italy. Chương trình xúc tiến thương mại này là một hoạt động trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp của hai nước cũng như Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/9/2015.

Mục đích của chương trình là thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối của Italy; gặp gỡ, trao đổi thông tin, cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà phân phối lớn của Italy; quảng bá sản phẩm “Made in Vietnam” vào thị trường Italy nói riêng và châu Âu nói chung.

Thúc đẩy hàng hóa Việt thâm nhập hệ thống phân phối của Italy ảnh 3Các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày một số mặt hàng giới thiệu tại trụ sở chính của Coop Italy ở Bologna. (Ảnh: Ngự Bình/Vietnam+)

Thông qua hoạt động này, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam dự kiến trong thời gian tới sẽ thâm nhập hơn nữa vào hệ thống siêu thị của Italy và trực tiếp đến tay người tiêu dùng của đất nước hình chiếc ủng.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Italy, đoàn doanh nghiệp Việt Nam còn tham quan C.A.R, trung tâm phân phối nông sản thực phẩm lớn nhất Rome và miền Trung Italy. Với vị trí chiến lược đặt tại thủ đô Rome, C.A.R là một trong những trung tâm phân phối quan trọng nhất của châu Âu và là trung tâm logistics lớn kết nối các nhà sản xuất, xuất khẩu và thương mại.

Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và là một trong những thị trường lớn tại Tây Âu với sức mua lớn và nhu cầu đa dạng.

Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Italy đạt trên 4,68 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Xuất khẩu của Việt Nam vào Italy đạt khoảng 3,27 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2015; nhập khẩu từ Italy đứng ở mức 1,14 tỷ USD, giảm 2,5% so với năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italy bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, càphê, giày dép, hàng dệt may, thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.