Chiều 1/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022.
Dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia lần thứ nhất năm 2018 và lần thứ hai năm 2020, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiện Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta đang nỗ lực vượt qua, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, diễn đàn lần này được tổ chức với mong muốn đóng vai trò kết nối, kiến tạo để tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế-xã hội Việt Nam.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn bày tỏ tin tưởng Diễn đàn sẽ tiếp tục đón nhận được nhiều sáng kiến, giải pháp chất lượng, để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch và xa hơn là tham gia xây dựng đất nước phát triển hùng cường vào năm 2045.
[550 đại biểu sẽ tham dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022]
Tại Phiên đối thoại chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch” với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, các đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo các bộ, ngành về các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Cụ thể như: cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các startup Việt Nam; cơ chế đột phá cho việc thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống giấy phép và các yêu cầu hành chính trong những năm đầu hình thành startup; cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, logistics…
Lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách, các giải pháp hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, startup, tạo niềm hứng khởi cho cộng đồng thanh niên khởi nghiệp…
Thông tin về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết hiện nay, Bộ đang phối hợp với đơn vị liên quan triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mục tiêu lựa chọn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực, trong đó có logistics... tới năm 2025.
Theo một số ý kiến tại phiên đối thoại, cơ chế trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Những điều kiện thuận lợi trong chính sách visa hay giấy phép lao động giúp thu hút, tạo điều kiện cho nhóm chuyên gia có năng lực đổi mới sáng tạo đến với Việt Nam.
Các đại biểu đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao xem xét có những cơ chế đặc thù, đột phá để tạo điều kiện thu hút, trao đổi nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định trao đổi nguồn nhân lực là vấn đề tất yếu của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn; bên cạnh đó, nhiều lao động Việt Nam chưa có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc.
Việt Nam hiện tiếp nhận 4 đối tượng lao động nước ngoài vào làm việc gồm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động có kỹ thuật cao. Hiện có khoảng 100.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thừa nhận còn một số rào cản về vấn đề cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, rà soát kỹ Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để đề xuất với Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và tạo điều kiện phù hợp nhất.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất nhằm tiếp tục đóng góp cho việc cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch; đồng thời mong muốn thanh niên Việt Nam tiếp tục sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, từ đó đưa đất nước phát triển.
Nhấn mạnh về những thách thức đặt ra hiện nay cho đất nước, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh để tiếp tục quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thanh niên là một trong những lực lượng có vai trò, đóng góp quan trọng.
Do đó, cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế như chỉ số về môi trường kinh doanh, về phát triển bền vững, về sự phát triển của thị trường...; đồng thời thể hiện cam kết hỗ trợ của Chính phủ và sự tăng cường chất lượng pháp lý.
Lưu ý quá trình khởi nghiệp luôn tiềm tàng những khó khăn, với độ rủi ro cao, Phó Thủ tướng cho rằng ngay từ đầu quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên nên chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như xanh, sạch, an toàn...; ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng..., đồng thời cần duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội.
Tại Diễn đàn, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng hỗ trợ cho 20 dự án khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên. Các nội dung hỗ trợ gồm hỗ trợ về vốn khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ quản trị, kỹ thuật sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Nhân dịp này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành ký kết chương trình phối hợp./.