Thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ.
Thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ thăm Việt Nam tháng 3/2013 (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/11, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Hoa Kỳ và doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Chi Mai, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ.

Chính vì thế, đã có một số công ty, tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam.

Hiện có 25 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ nằm trong Top Fortune 500 đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, trong đó nhiều tập đoàn đã quyết định đầu tư tại Việt Nam như Intel, Starwood Hotep & Resort, Citigroup, American Group, New York & Company, Pepsi-Cola.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, những quyết định đầu tư của các công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ với những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của kinh tế Việt Nam không chỉ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nguồn vốn lớn, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ mà điều này còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư các nước khác trên thế giới quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, các đại biểu cho rằng, vẫn còn một số hạn chế trong thu hút nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam như giá trị FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; Việt Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế của Việt Nam; chưa thu hút được nhiều nhân lực, công nghệ nguồn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến từ Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam gắn chặt với lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn lộ trình Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường được thực hiện sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ.

Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tránh được những thiệt hại do các vụ kiện trợ cấp, bán phá giá, tranh thủ được những ưu đãi về thuế, chính sách bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ.

Đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ ủng hộ và có hành động thúc đẩy việc Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện có 703 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam với số vốn trên 10,7 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ với trên 259 dự án, tổng số vốn 10,5 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư.

Ngoài ra, còn một số lĩnh vực các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam như lưu trú - ăn uống; công nghiệp, xây dựng; bất động sản.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có 141 dự án đầu tư vào Hoa Kỳ với số vốn trên 414 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.