Thúc đẩy hội nhập và phát triển lưu vực sông Mekong

Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong có 8 lĩnh vực hợp tác, tương ứng với đó là 8 nhóm công tác được thành lập.
(Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 15-16/6.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng Mekong tiếp tục có những bước tiến quan trọng góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập và phát triển tại lưu vực sông Mekong, quan hệ Việt Nam-các nước Mekong ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu.

Tăng cường hợp tác, thu hẹp khoảng cách phát triển

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế (ECS), là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và hợp tác song phương để khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong thành lập tháng 11/2003 (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong). Tháng 11/2004, Việt Nam chính thức tham gia tại Hội nghị Bộ trưởng Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 1 tại Thái Lan.

Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong có 8 lĩnh vực hợp tác gồm thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường, tương ứng với 8 lĩnh vực hợp tác đó là 8 nhóm công tác được thành lập.

Mỗi nước điều phối ít nhất 1 lĩnh vực hợp tác, trong đó Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực (thương mại-đầu tư và y tế).

Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực (phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp-năng lượng) và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường. Campuchia điều phối hợp tác du lịch. Lào điều phối hợp tác giao thông và Myanmar điều phối nông nghiệp. Bộ Ngoại giao các nước làm điều phối các bộ, ngành liên quan tham gia Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong.

Việt Nam thành lập Nhóm công tác liên ngành do Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, thành viên gồm đại diện của các bộ, ngành liên quan. Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong được tổ chức hai năm một lần theo luân phiên chữ cái tên các nước; đến nay đã qua 7 lần tổ chức.

Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 2, các nước nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong giữa kỳ dưới hình thức không chính thức giữa hai Hội nghị cấp cao chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao ASEAN.

Từ 4-7/11/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ ba tại Hà Nội.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối nhằm đối phó với thách thức, biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị đã nhất trí thành lập nhóm công tác về môi trường.

Tuyên bố chung Phnom Penh trong đó đề cập sơ bộ về hợp tác gạo và Chương trình Hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong đã thông quan tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 4 tại Phnom Penh, Campuchia.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 5 (Vientiane, Lào), các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015.

Chương trình hành động nêu rõ các định hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp-năng lượng, du lịch, thương mại-đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế, an sinh xã hội, môi trường.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 tại Myanmar đã thông qua Tuyên bố Naypyidaw và Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018.

Mục tiêu chính của Kế hoạch hành động là đưa ACMECS trở thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực, đặc biệt là ở các khu vực biên giới, tận dụng cơ hội mới mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ lần thứ 7 tại Hà Nội có chủ đề “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng.”

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, nhất trí thúc đẩy các nội dung hợp tác ưu tiên của ACMECS trong thời gian tới bao gồm giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại-đầu tư, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và môi trường.

[Khai thác bền vững tài nguyên sông Mekong là trách nhiệm của tất cả]

Thúc đẩy hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 1 vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (tại Vientiane, Lào, tháng 11/2004).

Việc hình thành cơ chế hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN.

Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam khởi nguyên từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước này vào tiến trình phát triển chung của khu vực, phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của từng nước.

Nhưng mặt khác, đây là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hơn nữa, hợp tác Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng là diễn đàn để các nước nói trên phối hợp lập trường, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước này trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các lĩnh vực hợp tác của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam gồm: Thương mại, đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp, năng lượng; giao thông; du lịch, phát triển nguồn nhân lực.

Các nước nhất trí thành lập 6 Nhóm công tác tương ứng với 6 lĩnh vực hợp tác, trong đó Việt Nam điều phối 3 Nhóm công tác (thương mại-đầu tư, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực).

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 1 thông qua Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 2 thông qua Chương trình hành động nhất trí bốn nước phối hợp với Thái Lan nghiên cứu khả năng kết hợp hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 3, ghi nhận các thỏa thuận về kết hợp Chương trình hành động Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, Chương trình hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong…

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 4, nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, bao gồm thương mại, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch, phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác.

Hội nghị nhất trí tạo thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp các nước thành viên hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoáng sản, thủy điện, phát triển hạ tầng, dịch vụ và logistics...

Việt Nam đã xây dựng Quỹ học bổng CLMV, theo đó mỗi năm Việt Nam cung cấp hàng chục suất học bổng cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Chương trình học bổng đã được các nước đánh giá cao và đề nghị tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 5, thông qua Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác giữa bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 6 nhất trí về một số định hướng lớn bao gồm: nâng cao hiệu quả điều phối hợp tác; đẩy mạnh hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển các hành lang kinh tế; đẩy mạnh hợp tác phát triển nhân lực…

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 7 nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa bốn nước phối hợp xây dựng các chính sách mới về tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại, các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết.

Tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 8 đã diễn ra, các nhà Lãnh đạo nhất trí phối hợp triển khai các nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực giao thông, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, công nghiệp, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Đại diện các đối tác phát triển (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á) cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các nước Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Đoàn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị nhằm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hai hợp tác này, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối khu vực, hợp tác nguồn nước, thương mại và đầu tư, tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị Việt-Thái Lan, củng cố quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục