Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Liên bang Myanmar do ngài Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-16/5.
Sáng 15/5, Lễ đón chính thức Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Myanmar sang thăm chính thức Việt Nam; trân trọng cảm ơn Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cùng Đoàn đại biểu Myanmar tham dự Hội nghị chuyên đề IPU Khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu-Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội Myanmar là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của hội nghị, thể hiện sinh động sự ủng hộ lẫn nhau giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Myanmar tại các diễn đàn liên minh nghị viện thế giới và khu vực.
Chủ tịch Mahn Win Khaing Than bày tỏ vinh dự dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Myanmar sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị chuyên đề của IPU; cảm ơn Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo, chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tầm quan trọng của nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San gây dựng, cũng như tiếp tục phát huy các thành quả đạt được sau hơn 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Về hợp tác an ninh, quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chủ tịch Mahn Win Khaing Than và Myanmar cùng chia sẻ quan điểm, lợi ích chung về hòa bình, an ninh khu vực; đồng thời khẳng định, Quốc hội Việt Nam ủng hộ hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có.
Về quan hệ kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Quốc hội Myanmar cùng phối hợp giám sát để thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại-đầu tư song phương trên cơ sở cùng có lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
Hai bên triển khai thực hiện tốt kết quả Kỳ họp thứ 9 Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam-Myanmar vào tháng 2/2017 vừa qua, đồng thời tiếp tục đàm phán, thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, văn hóa, giao thông-vận tải, tài chính, tư pháp, giáo dục.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết.
[Myanmar khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư]
Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế khác như CLMV, ACMECS, EWECS, GMS, Liên hợp quốc...
Hai bên cần hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong. Việt Nam mong Myanmar sớm trở thành thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC).
Về quan hệ giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa hai bên đang phát triển tích cực và nhanh chóng. Hai Quốc hội đang thực hiện tốt các nội dung của văn bản Thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 9/2013.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức Myanmar và dự AIPA-37 của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Quốc hội Myanmar đăng cai tổ chức năm 2016; cùng với việc Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar thăm chính thức Việt Nam, dự hội nghị chuyên đề IPU đã thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và ngày một gắn bó giữa các nghị sỹ hai nước; phát huy tích cực vai trò ngoại giao nghị viện song phương trong tổng thể quan hệ ngoại giao hai nước.
Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar khẳng định, quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, nhưng thực chất, mối quan hệ giữa hai nước đã được bắt đầu từ trước đó rất lâu.
Minh chứng cho điều này, Chủ tịch Quốc hội Myanmar nhắc lại sự kiện bác sỹ Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang Myanmar tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Myanmar vào tháng 1/1948; chuyến thăm Myanmar của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958…
Từ đó đến nay, hai nước luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong những giai đoạn khó khăn; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao; thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và hai bên đang chuẩn bị tổ chức hội nghị Tham khảo chính trị lần thứ 7 giữa hai Bộ Ngoại giao trong năm 2017.
Bên cạnh mối quan hệ tốt đẹp về chính trị, bày tỏ vui mừng về quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được tăng cường, năm 2016 đã có hơn 30.000 người Việt Nam sang Myanmar du lịch, Chủ tịch Mahn Win Khaing Than khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, Myanmar đang rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kêu gọi các nhà đầu tư đến Myanmar.
Chủ tịch Mahn Win Khaing Than nhắc tới hai doanh nghiệp Việt Nam đầu tư rất thành công, bao gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel).
Đặc biệt, sau thời gian ngắn đầu tư, Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ tư tại Myanmar. Từ đó, phía Myanmar bày tỏ hy vọng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh.
Đánh giá cao sự phát triển trong quan hệ giữa hai Quốc hội trong thời gian qua, Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cho biết, Quốc hội Myanmar mong muốn thúc đẩy hợp tác, giao lưu với Quốc hội các nước, giữa các nhóm nghị sỹ hữu nghị của Myanmar với các nhóm nghị sỹ hữu nghị của các nước, trong đó có Việt Nam, để trao đổi kinh nghiệm hoạt động.
Chủ tịch Mahn Win Khaing Than khẳng định lại lập trường của Myanmar về vấn đề Biển Đông là các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hợp tác, thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Myanmar khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực để thể hiện lập trường chung của ASEAN về vấn đề này.
Tại hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí, hai nước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw năm 2016 và Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Myanmar vào tháng Ba vừa qua. Hai nước cần sớm thiết lập cơ chế “Đối thoại chính sách quốc phòng” cấp Thứ trưởng Quốc phòng và cơ chế “Nhóm làm việc chung” giữa Cục Đối ngoại của hai Bộ Quốc phòng.
Hai bên đồng ý sẽ cùng nhau tạo điều kiện về chính sách pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại.
Việt Nam đề nghị sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hải quan, tài chính, sửa đổi/bổ sung Hiệp định Khuyến khích bảo hộ đầu tư và Biên bản ghi nhớ xúc tiến đầu tư giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới; cần tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, nông nghiệp.
Hai bên đồng tình về việc cần tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai Quốc hội; trao đổi đoàn giao lưu nhóm nghị sỹ để tham khảo, trao đổi kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát và các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai Chủ tịch bày tỏ vui mừng về việc hai bên đã thành lập hai Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, đồng thời đề nghị hai nhóm Nghị sỹ hữu nghị phát huy vai trò là cầu nối, là đầu mối quan trọng để tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên thống nhất, Quốc hội hai nước sẽ tham khảo và ủng hộ các quan điểm của nhau tại các diễn đàn liên minh nghị viện thế giới và khu vực, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước; xây dựng sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN. Hai Quốc hội cần phối hợp giám sát việc thực hiện các Thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ.
Hai Quốc hội thống nhất tăng cường giao lưu nhân dân, coi đây là kênh thông tin cần thiết, là cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chủ tịch Mahn Win Khaing Than khẳng định sẽ sớm thúc đẩy các cơ quan hữu quan của Myanmar thành lập Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam để phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam-Myanmar tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới.
Trước đó, Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Myanmar đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì tiệc chiêu đãi Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Myanmar./.