Thúc đẩy tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN

Năm 2017, các nước ASEAN đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối ASEAN cho tới năm 2025, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thúc đẩy tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN ảnh 1Khách hàng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Big C, do Tập đoàn Central Group (Thái Lan) làm chủ sở hữu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 10/1, Hội thảo Cao cấp về Thúc đẩy thương mại-đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký ASEAN 2020; cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo Yong-Boo; Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách kinh tế Aladdin D.Rillo; nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, cố vấn cao cấp ASEAN 2020; đại diện các Đại sứ quán ASEAN tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho rằng, những chuyển đổi chưa từng có của bối cảnh kinh tế thế giới, những tiến bộ của công nghệ đã mang lại những tiềm năng to lớn cho hòa bình và phát triển bền vững cũng như sự hội nhập sâu rộng về kinh tế.

Các quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là xu hướng cạnh tranh nhau và chống lại toàn cầu hóa.

[Việt Nam đóng góp quan trọng vào kinh tế và hợp tác khu vực ASEAN]

Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, câu hỏi đặt ra với ASEAN là làm sao trong bối cảnh đó vẫn có thể duy trì được sự vững mạnh, gắn kết, xử lý hài hòa được những tác động của cạnh tranh chiến lược.

Suốt hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế nhưng rõ ràng tiềm năng để thúc đẩy kinh tế nội khối và đầu tư vẫn còn rất lớn.

Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 và 35 vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định cam kết đầu tư nội khối ASEAN.

Năm 2017, các nước ASEAN đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối ASEAN cho tới năm 2025, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo ông Vũ Hồ, việc tăng cường kinh tế nội khối và đầu tư sẽ góp phần hiện thực hóa các ưu tiên của ASEAN thời gian tới. Có nhiều rào cản trong quá trình đầu tư nội khối cần được giải quyết, trong đó có các vấn đề nổi lên rõ ràng như thể chế chính sách, logistics...

Hội thảo lần này với sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cấp cao trong khu vực, sẽ có được những đề xuất, khuyến nghị chính sách giá trị cho hội nhập kinh tế khu vực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, từ khi các nước quyết định thiết lập khu vực thương mại ASEAN, ASEAN đã có những bước tiến lớn để đạt được hội nhập, cụ thể với việc thương mại nội khối tăng từ 89 tỷ USD lên 200 tỷ USD năm 2019. Với Việt Nam, thương mại với ASEAN cũng đã tăng từ 4 tỷ USD lên 18 tỷ USD.

Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, ngày nay, với dân số 600 triệu người, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và là ví dụ điển hình của hội nhập kinh tế thương mại với tốc độ tăng trưởng hiện nay cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và sẽ được duy trì trong những năm tới.

Trong bối cảnh tăng cường bảo hộ thương mại, theo ông Trần Quốc Khánh, ASEAN phải tăng cường tính thống nhất và duy trì sự gắn kết để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp đều mong muốn có được sự minh bạch trong quá trình đầu tư nội khối ASEAN, các nước cần phải nhận diện những vấn đề, rào cản đối cho doanh nghiệp đầu tư trong nội khối để cùng nhau tháo gỡ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.