Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp Thủ đô

Kết quả các hoạt động khoa học công nghệ đã có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng, góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp của đất nước.
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp Thủ đô ảnh 1Đoàn công tác khảo sát khu nhà thực nghiệm tại Viện Nghiên cứu Rau quả. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Ngày 10/11, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học Công nghệ tại Viện Nghiên cứu Rau quả, Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, cho biết Viện luôn quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Viện luôn gắn với các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả các hoạt động khoa học công nghệ đã có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng, góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp của đất nước.

Cụ thể, về nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, giai đoạn 2016-2020, Viện được giao thực hiện 3 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. Một nhiệm vụ kết thúc năm 2016, một nhiệm vụ kết thúc năm 2019 và một nhiệm vụ kết thúc năm 2020.

Viện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thực hiện 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, trong đó, có một đề tài trọng điểm cấp Bộ, 6 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, hai dự án thuộc Chương trình giống và hai đề tài tiềm năng cấp Bộ.

Đáng chú ý, hàng năm, Viện hợp tác mật thiết với một số Sở chuyên ngành và cơ quan chuyên môn của thành phố như: triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; chuyển giao giống và tiến bộ kỹ thuật cho Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu của Viện về rau, hoa, quả, bảo quản chế biến.

Điển hình là đề tài “Nghiên cứu tạo giống cà chua ưu thế lai kháng bệnh sương mai (Phytophthora infestans) năng suất cao, chất lượng tốt."

Đề tài đã xây dựng mô hình giống cà chua kháng bệnh sương mai triển vọng tại Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội, tổng quy mô 3ha.

Mô hình khảo nghiệm sản xuất giống cà chua kháng bệnh sương mai vụ Xuân Hè và Thu Đông tại Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Hải Dương, Lâm Đồng, tổng quy mô 6.000m2.

Tại Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, báo cáo với Đoàn công tác, Đại diện Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội cho biết Đảng ủy Công ty đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các nội dung trọng tâm, ứng dụng khoa học công nghệ trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chính trị, phù hợp tình hình cụ thể của đơn vị.

Với tinh thần khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Công ty đã thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật với lực lượng lòng cốt là phòng kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu phát triển, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng, khai thác công nghệ.

Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Kết quả nổi bật, nhiều công trình chăn nuôi trọng điểm được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần đưa trình độ khoa học công nghệ ngành chăn nuôi tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Công ty đã hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 27/4/2021, Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của thành phố (trong lĩnh vực nông nghiệp).

Báo cáo của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội cho thấy giai đoạn 2012-2021, đơn vị đã chủ trì, phối hợp thực hiện 9 đề tài, dự án khoa học với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu sinh sản, sinh học của công ty được trang bị đầy đủ và hiện đại so với khu vực.

Công ty đầu tư hai phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và sản xuất tinh, phôi giống bằng thiết bị đánh giá chất lượng tinh sử dụng phầm mềm Androvision hiện đại.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp Thủ đô ảnh 2Đoàn công tác khảo sát trại nuôi bò của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội đang làm chủ công nghệ, sản xuất thành công nhóm sản phẩm trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp điều kiện tại Việt Nam; sản xuất nhóm sản phẩm phục vụ chăn nuôi chuyên ngành khác như các loại con giống, thức ăn chăn nuôi...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Viện Nghiên cứu Rau quả quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư thiết bị, định hướng phát triển khoa học trong thời gian tới. Viện chú trọng nghiên cứu toàn diện, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội và phù hợp với địa bàn Thủ đô.

Cùng với đó, Viện cần phát huy thế mạnh trong nghiên cứu cây, con giống để tạo ra sản phẩm có giá trị khoa học thực tiễn phục vụ nhu cầu phát triển Thủ đô.

Đối với Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, Công ty tiếp tục phát huy vai trò là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển toàn diện ở lĩnh vực giống vật nuôi, đưa vào sản xuất góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội.

Ngoài ra, Công ty cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu để phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ cao cho cá nhân, đơn vị để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.