Thực hành phương pháp nhuộm màu kusaki-zome tại Hà Nội

Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức lớp học về kỹ thuật nhuộm màu kusaki-zome (phương pháp nhuộm màu sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ cây cỏ tự nhiên) của Nhật Bản tại Hà Nội vào chiều 22/10.
Kết quả thu được sau buổi học (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Chiều 22/10, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức một lớp học về kỹ thuật nhuộm màu kusaki-zome của Nhật Bản tại Hà Nội.

Khoảng 30 học viên đã tham gia lớp học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bà Tarumi Michico cùng các cộng sự người Nhật Bản khác. Bên cạnh việc tìm hiểu lý thuyết, các học viên đã trực tiếp thực hành phương pháp nhuộm màu này của Nhật Bản.

Kusaki-zome là phương pháp nhuộm màu sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ cây cỏ tự nhiên. Cụ thể, tại lớp học chiều ngày 22/10, các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn học viên nhuộm màu vải từ nguyên liệu là cây thiên thảo và cây rum.

“Hầu như tất cả các loại thực vật đều có thể dùng làm nguyên liệu cho thuốc nhuộm. Nhật Bản có khí hậu ôn đới, bốn mùa rõ ràng, thực vật rất phong phú. Đó cũng là lý do mà văn hóa nhuộm vải và nhuộm màu phát triển mạnh tại Nhật Bản,” bà Tarumi Michico chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, vải sẽ khó bắt màu nếu chỉ nhuộm không với thuốc nhuộm được chiết xuất từ thực vật. Bởi vậy, quá trình nhuộm màu kusaki-zome cần thêm một giai đoạn cắn màu để tăng khả năng bắt màu của vải.

Các loại thuốc cắn màu bao gồm: thuốc cắn màu có chứa nhôm (phèn phi hoặc phèn chua sống), thuốc cắn màu có chứa đồng (đồng sunphat hoặc đồng axetat), thuốc cắn màu có chứa sắt (sắt axetat).

Cùng tìm hiểu về phương pháp nhuộm màu kusaki-zome của Nhật Bản (Ảnh: A.N/vietnam+)

Để thực hành phương pháp nhuộm màu kusaki-zome, người thực hiện cần một số dụng cụ chính như: nồi thép không gỉ hoặc có tráng sứ (dùng để ninh nguyên vật liệu làm thuốc nhuộm), chậu hoặc xô (dùng để làm nguội thuốc nhuộm hoặc giặt vải), cân (dùng để cân trọng lượng nguyên vật liệu), nhiệt kế (dùng để đo nhiệt độ trong công đoạn cắn màu và nhuộm màu).

Bà Tarumi Michico cho biết, với những nguyên liệu tươi (hoa, rễ cây, thân cây…), người dùng nên sử dụng khối lượng nặng gấp ba lần cân nặng của lượng vải định nhuộm. Với nguyên liệu khô, khối lượng sử dụng nên bằng một nửa hoặc tương đương cân nặng của lượng vải định nhuộm.

Các chuyên gia lưu ý, khi ninh nguyên liệu để tạo ra thuốc nhuộm, người thực hành phải sử dụng nước lạnh.

Vải cần được nhúng ngập trong thuốc nhuộm, đảo liên tục trong thuốc nhuộm khoảng 15 phút. Sau đó, vải cần được nhúng vào thuốc cắn màu khoảng 15 phút. Số lần lặp lại hai công đoạn này tùy thuộc vào độ đậm nhạt của vải sau khi nhuộm mà người thực hiện mong muốn.

“Cuối cùng, người nhuộm chỉ cần vắt khô và đem phơi,” bà Tarumi Michico chỉ dẫn cách làm.

Tại lớp học, bà Oba Itsuko - đại diện Ban Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết: Với việc tổ chức lớp học này, Đại sứ quán Nhật Bản đến công chúng Việt Nam một nét văn hóa truyền thống độc đáo của Nhật Bản.

“Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản bằng trải nghiệm của chính mình tại lớp học này, từ đó, quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và con người Nhật Bản,” bà Oba Itsuko bày tỏ.

Một số hình ảnh tại buổi giới thiệu và thực hành kỹ thuật nhuộm màu kusaki-zome chiều 22/10:

Học viên tìm hiểu lý thuyết trước khi thực hành (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Chăm chú lắng nghe chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Thuốc nhuộm được tạo ra từ thực vật tự nhiên (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Mảnh vải trước khi nhuộm (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Hình thành các nút thắt để tạo hoa văn sau khi nhuộm (những chỗ thắt nút sẽ có màu khác so với những phần còn lại)
Nhúng vải vào thuốc nhuộm (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Cùng so sánh kết quả (Ảnh: A.N/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục