Thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, năm 2018, hệ thống Tòa án đã có nhiều đổi mới, tích cực thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và thu được kết quả tích cực
Thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 13/11, ngay sau khi nghe Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo công tác năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, năm 2018, hệ thống Tòa án đã có nhiều đổi mới, tích cực thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và thu được kết quả tích cực.

Hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản do Quốc hội đề ra

Trong năm, các Tòa án giải quyết được 441.553/556.838 vụ việc đã thụ lý. Quá trình giải quyết đã hạn chế đến mức thấp các vụ án để quá hạn luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,1%, giảm 0,2%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Mặc dù số lượng các vụ việc tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn luật định; chất lượng xét xử cao hơn. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có nhiều tiến bộ.

Đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp

Các Tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính, hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; chủ động phối hợp với các Trung tâm quản lý người nghiện tổ chức các phiên họp ngay tại Trung tâm để xem xét, giải quyết kịp thời các hồ sơ đề nghi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.

Thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử ảnh 2Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành, triển khai thực hiện Thông tư quy định về mô hình phòng xét xử mới; hướng dẫn các yêu cầu của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đồng thời, Tòa án nhân dân Tối cao đã triển khai thí điểm thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở Tòa án nhân dân hai cấp của Hải Phòng.

[Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội trong năm 2018]

Sau 6 tháng tổ chức thí điểm, các Trung tâm này đã hòa giải và đối thoại thành trên 76% số vụ việc.

Hiện, Tòa án nhân dân Tối cao đang mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố; xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng mô hình này trong toàn quốc; xây dựng dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án trình Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Công tác giải quyết khiếu nại về tư pháp dần đi vào nền nếp, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Các Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã giải quyết 6.408/16.078 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đạt 39,8%. Các Tòa án cũng đã giải quyết 4.875/5.005 khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt 95%.

Tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn xét xử

Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao đã chỉ đạo sửa đổi quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tiếp tục tăng cường cán bộ, Thẩm phán cho các Tòa án nhân dân cấp cao và các đơn vị nghiệp vụ của Tòa án nhân dân Tối cao; khoán việc và đề cao trách nhiệm của các Thẩm phán trong giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Vì vậy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng hơn cùng kỳ năm trước, chất lượng giải quyết được đảm bảo. Các đơn khiếu nại liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Thẩm phán đều được các Tòa án xem xét, giải quyết kịp thời, trách nhiệm và đạt tỷ lệ cao.

Tòa án nhân dân Tối cao cũng tăng cường xây dựng thể chế, hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ, qua đó tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn xét xử và đóng góp tích cực phát triển khoa học pháp lý; thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; đề cao kỷ cương, kỷ luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ và việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức Tòa án các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng Tòa án điện tử, nhằm minh bạch hóa các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Khắc phục các tồn tại, hạn chế

Bên cạnh các kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động của các Tòa án còn một số hạn chế, thiếu sót. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt yêu cầu; còn có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng, tiến độ giải quyết án chậm, thời gian kéo dài.

Thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử ảnh 3Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tổ chức bộ máy của các Tòa án còn có những bất cập, chưa hợp lý; vẫn còn để xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa nội dung xây dựng dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019.

Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn kinh phí để sớm cấp đồng bộ các trang thiết bị cho phòng xét xử của tất cả các Tòa án theo mô hình phòng xét xử mới như quy định của pháp luật.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục