Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 15, ngày 3/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cuối năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18.
Đến nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố; nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; làm việc với một số bộ ngành Trung ương.
Phiên giải trình lần này là hoạt động tiếp nối trong khuôn khổ kế hoạch giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, qua giám sát của Ủy ban cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực.
Hiện nay, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất; còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh, góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Phiên giải trình nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Đây là diễn đàn công khai với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích thông tin minh bạch trước cử tri, nhân dân cả nước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập; làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các địa phương.
Qua đó, các cơ quan thống nhất phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập trong thời gian tới, đặc biệt đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tăng sự hài lòng của người bệnh
Trình bày Báo cáo giải trình trước Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ.
Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu…
[Đề xuất giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng mỗi ngày ở bệnh viện công]
Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.
Các bệnh viện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật. Nhiều bệnh viện Trung ương, tuyến cuối đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, góp phần cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.
Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố, riêng các bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương đã giảm từ 60-70% số giường nằm ghép. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ.”
Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm nay cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018.
Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt hơn 80% ...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để các bệnh viện tự chủ được về nhiệm vụ chuyên môn thì phải có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính để thực hiện.
Thực tế hiện nay, vấn đề này đang có sự chênh lệnh khá lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa các tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư...
Đẩy mạnh tự chủ trong công tác cán bộ
Cho rằng tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn, đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn khi thực hiện chủ trương này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận định, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi, chưa được tính đúng, tính đủ, nhưng nơi thu thêm.
“Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì. Hoặc giao tự chủ nhưng không được tự quyết, đặc biệt trong công tác tài chính, cán bộ. Khi nào những vướng mắc này mới được giải quyết,” đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ lo ngại về 4 bệnh viện đặc biệt được giao quyền tự chủ toàn bộ đang có xu hướng tư nhân hóa và đề nghị Bộ trưởng Y tế đưa ra giải pháp ngăn chặn hiện tượng này.
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến đánh giá, nếu quản chặt quá bệnh viện công "chẳng tự chủ được gì."
Bộ trưởng phân tích, khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh, cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì “đụng” đến biên chế nên rất khó vì thẩm quyền này không thuộc Bộ Y tế mà của Bộ Nội vụ. Vì thế, tự chủ trong vấn đề nhân lực cần được đẩy mạnh hơn.
Liên quan đến vấn đề tự chủ về tổ chức, bộ máy, con người, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ: Bộ Nội vụ ủng hộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tế trong tuyển dụng cán bộ y tế.
Nguyên tắc là các bệnh viện phải tự xác định được vị trí việc làm, mỗi vị trí có bao nhiêu người, trình độ năng lực ở từng vị trí ra sao…
Bộ Nội vụ đã phân cấp đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Khi đã có mô tả vị trí việc làm sẽ ra bộ máy, biên chế, các đơn vị tự xây dựng kế hoạch để tuyển dụng và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, sau khi xây dựng vị trí việc làm, được các cấp phê duyệt, bệnh viện có lộ trình thực hiện đề án và không có gì cản trở.
Tuy nhiên, vấn đề là thu nhập, lương thấp nên thu hút nguồn nhân lực cao rất khó. Vì thế, sắp tới, khi tiến hành sửa đổi luật về viên chức phải tính đến vấn đề này.
Ngăn chặn tình trạng lạm thu
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng Y tế làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để "móc túi" bệnh nhân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện phải có nguồn thu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, thu hút bệnh nhân, cải thiện chất lượng dịch vụ như giường bệnh tới chăn, ga trải giường đều phải thay mới thường xuyên, bệnh viện phải có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tối thiểu là 3 sao trở lên, môi trường xanh, sạch, chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt. Vì mục đích tăng thu nên xảy ra hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc...
Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời ban hành Chỉ thị về chống trục lợi, lạm dụng để ngăn chặn tình trạng này.
Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung và hoàn thiện chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, đồng thời quy định về mức lương, trần thu nhập, minh bạch thu-chi; xem xét quy định mức phụ cấp phù hợp cho bác sỹ làm công tác quản lý nhưng do đặc thù cơ sở y tế thiếu bác sỹ nên phải tham gia làm công tác chuyên môn về khám chữa bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; sớm có phương án giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến việc thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.../.