Gần 23 năm đã trôi qua kể từ sau hội nghị ở Indonesia, nơi các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua các Mục tiêu Bogor, APEC đã đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Mặc dù vậy, không ít người lo ngại APEC sẽ khó hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng này khi thời hạn chỉ còn hơn ba năm. Trong bối cảnh đó, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào cuối năm nay.
Tầm nhìn của APEC
Năm 1994, tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Bogor (Indonesia), các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố APEC về quyết tâm chung (còn gọi là các Mục tiêu Bogor), trong đó vạch ra lộ trình tương lai cho hợp tác kinh tế khu vực, vốn là động lực cho sự ra đời của APEC 5 năm trước đó, và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Tuyên bố có đoạn: “APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở đối tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, có chung mối quan tâm và chung lợi ích với mục tiêu đưa APEC đi đầu trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương mở; thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.”
Theo tuyên bố này, các nhà lãnh đạo APEC đã xác định mục tiêu dài hạn chung là phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Các nền kinh tế APEC nhất trí theo đuổi mục tiêu này bằng cách giảm bớt hơn nữa các rào cản đối với hoạt động thương mại và đầu tư, và thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và vốn.
Và những hành động tập thể
Trong nỗ lực biến tầm nhìn thành hành động cụ thể nhằm thực hiện các Mục tiêu Bogor, tại Hội nghị Cấp cao năm 1995 ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua Chương trình nghị sự hành động Osaka. Chương trình nghị sự này bao gồm ba trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư; và hợp tác kinh tế và kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC cũng chỉ thị cho các bộ trưởng và quan chức của các nền kinh tế thành viên ngay lập tức bắt tay vào việc soạn thảo các kế hoạch hành động cụ thể và thực chất để đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng APEC năm 1996 ở Philippines.
Kể từ sau đó, việc thực hiện các mục tiêu này đã trở thành một trong những chủ đề được thảo luận thường xuyên và sôi nổi nhất trong các hội nghị/hội thảo của diễn đàn này. Hàng loạt chương trình và kế hoạch hành động đã được xây dựng và triển khai. Nhờ vậy, hàng loạt rào cản đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế APEC đã được giảm bớt hoặc xóa bỏ, trong khi các dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ được lưu thông một cách tự do hơn trong khu vực.
Cụ thể, trong báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới các Mục tiêu Bogor công bố hồi tháng 11/2016, Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cho biết trong giai đoạn 1994-2014, tổng giá trị trao đổi hàng hóa trong khu vực đã tăng bình quân 7,8%/năm, đạt mức 18.400 tỷ USD vào năm 2014, trong đó đáng chú ý trao đổi nội khối tăng gấp 4 lần. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch thương mại trong lĩnh vực dịch vụ cũng đạt mức 7,6%/năm.
Bên cạnh đó, mức thuế MFN trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% năm 2014. Tỷ trọng các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 0% ở APEC tăng từ 27,3% năm 1996 lên 45,4% vào năm 2014.
Đến cuối năm 2015, các nền kinh tế APEC đã tham gia 152 hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định thương mại khu vực (RTA), trong đó có 61 RTA/FTA được ký kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Về tổng thể, các nền kinh tế APEC đưa ra nhiều cam kết toàn diện về thương mại dịch vụ trong các RTA/FTA hơn so với các cam kết mà họ đưa ra tại WTO.
Về mặt đầu tư, dòng vốn FDI chảy vào khu vực APEC tăng bình quân 11,1% và đạt mức 12.400 tỷ USD vào năm 2014. Dòng vốn FDI từ APEC chảy ra bên ngoài cũng tăng 10,6% lên 12.900 tỷ USD.
Liên quan tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư, theo báo cáo của PSU, thời gian để làm thủ tục thương mại xuyên biên giới trong nội khối APEC đã giảm từ 15 ngày năm 2006 xuống còn khoảng 13 ngày vào năm 2013. Trong giai đoạn 2006-2015, số lượng các thủ tục đăng ký kinh doanh ở khu vực giảm từ gần 9 xuống còn 6. Thời gian đăng ký kinh doanh bình quân giảm từ 37 ngày xuống còn 15 ngày.
Bên cạnh đó, APEC là diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường-vấn đề mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy hơn một thập niên qua, với 54 mặt hàng môi trường giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào cuối năm 2016.
Đối với vấn đề hợp tác kinh tế-kỹ thuật, kể từ năm 1993, APEC đã triển khai khoảng 1.600 dự án khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người và cải cách cơ cấu. Mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho 150 dự án hợp tác kinh tế-kỹ thuật với tổng giá trị 23 triệu USD. APEC đã thiết lập mạng lưới gồm 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên.
Nhờ những tiến bộ đạt được trên cả ba trụ cột của hợp tác kinh tế theo Chương trình nghị sự hành động Osaka, trong hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực APEC luôn cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Trong giai đoạn 1994-2014, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân của khu vực này đạt 3%/năm, cao hơn nhiều so với con số 2,5% của phần còn lại trên thế giới.
GDP bình quân đầu người ở APEC cũng tăng trung bình 2,2%/năm. Cùng với đó, số lượng người nghèo đói trong khu vực cũng giảm hơn 802 triệu người trong giai đoạn 1993-2002./.