Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần nội luật hóa các quy định để thực thi

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài và 6 tập đoàn trong nước sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần nội luật hóa các quy định để thực thi ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sáng nay, Quốc hội đã nghe nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

[Việt Nam chuẩn bị những gì để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu?]

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng nộp thuế là công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên (trừ các trường hợp được quy định). Theo đó, công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng nộp thuế có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính phải áp dụng quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần nội luật hóa các quy định để thực thi ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%. 

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.

Đối với các tập đoàn trong nước, Báo cáo của Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.

Theo đó, Ủy ban Tài chính nhận định báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp.

Báo thẩm tra cũng chỉ ra các vấn đề về đảm bảo đầu từ và khả năng khiếu kiện, về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết, phạm vi thu thuế.

Các vấn đề của Nghị quyết cũng được các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.