Chia sẻ những khó khăn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành công thương diễn ra ngày 15/1, đại diện Tập đoàn Thành Công cho biết, cùng với tâm lý chờ đợi của khách hàng thì việc giảm thuế đang tạo áp lực không nhỏ tới doanh nghiệp trong nước.
Thêm khó khi AFTA có hiệu lực hoàn toàn
Nói rõ hơn, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc tập đoàn Thành Công cho biết, việc đưa các dòng thuế nhập khẩu ôtô về 0% trong năm 2018 sẽ giúp ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có giá rất cạnh tranh.
Đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định việc giảm thuế khiến cho cơ hội của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng bị thu hẹp.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), năm 2017, toàn thị trường ôtô đạt doanh số 278.600 xe, bao gồm các dòng xe du lịch, xe tải, xe khách/bus và một số loại xe khác, giảm khoảng 9,3% so với năm 2016.
[Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lối thoát cho công nghiệp ôtô Việt Nam]
Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm tỷ trọng 62% (tương đương với 173.485 xe), giảm 9.9% so với năm 2016; các dòng xe tải, xe khách/bus chiếm gần 35% (khoảng 99.082 xe) trong cơ cấu xe bán ra trong năm 2017.
Từ những số liệu trên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, 2017 là một năm nhiều khó khăn đối với các hãng xe khi nhu cầu thị trường có sự biến động so với giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó từ năm 2013 - 2016.
"Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý chờ đợi của khách hàng về viễn cảnh thị trường năm 2018, với giá xe thấp hơn khi Hiệp định thương mại tự do AFTA có hiệu lực tối đa với mức thuế suất 0% cho các sản phẩm nhập khẩu trong nội khối ASEAN," ông Đức nói.
Trong khi đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước đòi hỏi mức đầu tư và sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Theo ông Đức, nền tảng sản xuất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở mức lắp ráp CKD đơn giản, hoặc sản xuất các linh kiện còn ở quy mô rất nhỏ, rời rạc.
Do đó, khi AFTA có hiệu lực hoàn toàn thì ngành công nghiệp ôtô Việt Nam rất khó có thể tồn tại, duy trì và phát triển được theo định hướng và chiến lược của Chính Phủ. Bên cạnh đó trong dài hạn, áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thương mại và bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Cơ chế chưa đủ mạnh?
Thực tế cho thấy, một số hãng xe Nhật Bản với lợi thế về các cơ sở sản xuất tại ASEAN được phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia như Thái Lan và Indonesia đã và đang mở rộng dải sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc của mình.
Điển hình là các mẫu xe như Fortuner (nhập khẩu từ Indonesia), Civic, Everest (từ Thái Lan), các mẫu xe bán tải như Ranger, Colorado, BT-50 (đa phần nhập khẩu từ Thái Lan). Chỉ tính riêng trong năm 2017, tỷ trọng các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN đã tăng từ mức dưới 20% trong năm 2016 lên 62% trong năm 2017.
Số liệu đã cho thấy rõ xu hướng tăng trưởng rất nhanh của các sản phẩm CBU nhập khẩu từ ASEAN và trong năm 2018 dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng khi rất nhiều các sản phẩm mới đang được các hãng xe Nhật Bản lên kế hoạch nhập về như Wigo (từ Indonesia), CRV, Celerio (từ Thái Lan)... việc này đặt ra thách thức đối với các sản phẩm lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn cũng như tiết giảm chi phí tối đa để đảm bảo giá thành cạnh tranh.
Ông Đức cho rằng, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP về Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP nhằm mang lại một môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và khuyến khích việc phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Tuy nhiên, các ưu đãi đưa ra như tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP là chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN mà mới chỉ thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh giữa sản phẩm xe ôtô lắp ráp trong nước với xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc.
Hiện tại theo tính toán của doanh nghiệp, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở từ Nghị định 125/2017/NĐ-CP tối đa chỉ dao động từ 12 - 15 %, trong khi đó nếu được giảm thuế từ 30% - 0%, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có thể giảm từ 23 - 25% giá bán lẻ so với hiện nay.
Mặt khác, theo ông Đức, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, các chi phí kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn cũng như các chi phí để truyền thông, quảng bá, phân phối sản phẩm để tạo ưu thế. Vì vậy với các ưu đãi theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP đưa ra, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Ngoài ra, Nghị định 116/2017/NĐ-CP đưa ra, các giấy tờ thủ tục liên quan như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, các loại giấy chứng nhận kiểu loại ôtô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ là các giải pháp ngắn hạn. Còn về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam.
"Từ đó xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước trong việc tìm đầu ra," đại diện tập đoàn Thành Công bày tỏ.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước, ông Lê Ngọc Đức kiến nghị Nhà nước miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ôtô, đồng thời xem xét miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời kiến nghị với Chính phủ sửa đổi những chính sách còn bất cập/.