Thương hiệu - bệ phóng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Liên tục trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Thương hiệu - bệ phóng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp ảnh 1(Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN)

Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự thăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Cùng đó, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và cho doanh nghiệp.

Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. 

Khẳng định vị thế

Liên tục trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó, có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020 lên 388 tỷ USD và vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đây là một bệ phóng rất lớn để thăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua đã có rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. 

Đáng lưu ý, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.

Phó giáo sư Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cũng bày tỏ thương hiệu quốc gia không phải chỉ là một logo, một danh xưng mà là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, gây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu là nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp.

[Nhiều lợi thế từ phát triển thương hiệu quốc gia “Made in Vietnam”]

Chính vì vậy, thương hiệu được coi là một trong những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, đại diện cho bộ mặt của doanh nghiệp mang lại những giá trị vô hình không hiện hữu trực tiếp cho doanh nghiệp đó. Hơn nữa, sức mạnh thương hiệu mang lại tính ổn định tiêu thụ, thu hút khách hàng tiềm năng, định hướng mở rộng thị trường.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, việc cạnh tranh thương hiệu tạo động lực hoàn thiện và yêu cầu đổi mới, sáng tạo với doanh nghiệp, đồng thời mang lại cho khách hàng những lợi thế, quyền lợi vượt trội về sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ so với trước đó. 

Vì vậy, nếu thị trường không có cạnh tranh là một thị trường suy thoái. Điều này buộc doanh nghiệp phải tự nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của thương hiệu, đối thủ cạnh tranh và có phương án, chiến lược phát triển tổng thể để đạt được các mục tiêu kinh doanh một cách tối ưu.

Ở phương diện khách hàng, thương hiệu chính là lời hứa của doanh nghiệp với người tiêu dùng, để giữ vững lời hứa, doanh nghiệp đó bằng mọi giá phải có cách bảo vệ, cạnh tranh thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm tốt có giá cả phải chăng. 

Ngoài ra, sức mạnh thương hiệu giúp cho doanh nghiệp hình dung được mình có đang đi đúng hướng hay không để thực hiện các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Bởi vậy, khi doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao và khi quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.

Nhượng quyền và chiến lược win-win

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực.

Thương hiệu - bệ phóng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp ảnh 2(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Vì thế, việc tận dụng những lợi thế của thương hiệu quốc gia đem lại trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, không ít thương vụ mua bán sáp nhập đã thực hiện thành công vẫn còn khá nhiều giao dịch thương hiệu chỉ để trở thành doanh nghiệp độc quyền trong ngành. 

Các hình thức đầu tư mua lại thương hiệu vốn luôn được xem là con đường tắt trong kinh doanh, với một số trường hợp chi phí mua lại thương hiệu sẽ thấp hơn chi phí đầu tư thương hiệu mới. 

Giới chuyên gia cũng chỉ ra việc sau mua bán, sáp nhập, nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển mà ở đó, tổ chức sở hữu thương hiệu (bên nhượng quyền) cấp phép cho cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhận quyền) quyền kinh doanh, dựa trên tài sản trí tuệ với mục đích giúp phát triển thương hiệu và gia tăng tài chính hai bên. Do đó, việc nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược hợp tác với đáp án chung là win-win cho bên nhượng quyền và bên nhận quyền.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho hay thời gian qua, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu đang có xu hướng tăng. Hàng loạt các vụ mua bán, sáp nhập diễn ra tại châu Á trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, công ty, tập đoàn cả trong và ngoài nước.

Qua các thương vụ M&A có thể thấy rằng việc thâu tóm và sáp nhập không chỉ là những cuộc cọ xát, thôn tính thương hiệu mà còn là cách để hỗ trợ nhau trong bối cảnh đầy khó khăn của quá trình hội nhập.

Tại Việt Nam, hoạt động mua bán-sáp nhập doanh nghiệp đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước.

Do đó, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu trước làn sóng M&A hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Bởi nếu doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu uy tín và chú tâm vào xây dựng thương hiệu thì giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được tăng lên trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh.

Theo Hiệp hội nhượng quyền quốc tế (International Franchising Association - IFA) ước tính có khoảng 120 ngành đang hoạt động trong lĩnh vực cấp phép nhượng quyền. 

Tại Việt Nam, có một số các thương hiệu lớn đang được nhượng quyền kinh doanh bao gồm gà rán Kentucky (KFC), McDonalds, Phở 24, Lotteria, cà phê Trung Nguyên, chuỗi cửa hàng G7, chuỗi CO.OP Food, Tocotoco… Những thương vụ này mang về hàng triệu USD cho doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chuyển nhượng.

Đáng lưu ý, việc kinh doanh thương hiệu ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư rất bài bản sau đó nhượng quyền để xây thành chuỗi nhà hàng/sản phẩm và thu lợi nhuận thông qua nhượng quyền thương hiệu. 

Điều này cho thấy, thương hiệu cũng là một loại hàng hoá, mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người chuyển nhượng và hoàn toàn có thể xem thương hiệu là một loại hàng hóa để kinh doanh.

Bằng việc chú trọng xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp đang dần chuyển mình theo xu hướng của thời đại, thiết lập những giá trị mới, tận dụng nhiều cơ hội để gia tăng lợi nhuận nhằm đưa thương hiệu vươn xa.

Cùng chung sức với doanh nghiệp trên hành trình ấy, Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng đã chắp cánh cho hàng trăm thương hiệu Việt có cơ hội tiếp cận thị trường mới, xu hướng kinh doanh mới.

Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại đã thành lập Ban biên tập Chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại email: thuonghieuviet@taj.vn; hotline: 0858.66.88.58; website: http://www.vietrade.gov.vn; fanpage: https://www.facebook.com/thqgvietnam; YouTube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw.

Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng hiệu quả hơn, chắp cánh cho thương hiệu Việt Nam bay cao hơn và xa hơn trên bản đồ thương hiệu thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.