Nổi tiếng thế giới với mô hình kinh doanh "keiretsu," phương thức hợp tác kinh doanh đặc trưng của doanh nghiệp Nhật Bản, các sản phẩm "Made in Japan" đã trở thành một biểu tượng của chất lượng và sự đáng tin cậy.
Tuy nhiên, danh tiếng này đang bị xói mòn trong những năm gần đây, bởi những vụ tai tiếng.
Mới đây nhất, tập đoàn sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản, Kobe Steel, thừa nhận đã làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm bán cho khoảng 500 khách hàng.
[Thêm hàng trăm công ty bị ảnh hưởng trong vụ bê bối của Kobe Steel]
Trước đó, hãng sản xuất ôtô Nissan Motor Co. của Nhật Bản thông báo sẽ thu hồi hơn 1,2 triệu xe không vượt qua bài kiểm tra an toàn trước khi được đăng ký và bán tại quê nhà.
Động thái này được cho là sẽ khiến Nissan thất thu lên tới hàng tỷ yen và phủ mây đen lên thương hiệu của hãng.
Các chuyên gia nhận định vụ bê bối có nguồn gốc từ sự thất bại của các nhà chế tạo Nhật Bản trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, giữa bối cảnh thị trường nội địa suy giảm và sự cạnh tranh trên toàn cầu gia tăng.
Luật sư Motokazu Endo, thuộc văn phòng luật Tokyo Kasumigaseki nhận định cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu đã buộc các nhà chế tạo Nhật Bản cắt giảm chi phí để nâng cao tính hiệu quả, trong khi vẫn phải đáp ứng các quy chuẩn sản xuất. Đây là một điều rất khó có thể đạt được.
Mô hình "keiretsu," hệ thống có sự phối hợp chặt chẽ và đáng tin cậy giữa nhà sản xuất và đơn vị cung ứng, được coi là nền tảng cho ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản.
Theo chuyên gia Hitoshi Kaise, thuộc Roland Berger, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thị trường gia tăng sự cạnh tranh, các nhà sản xuất ôtô giảm bớt đầu tư vào nhà cung ứng và cũng dành ít thời gian hơn cho hoạt động kiểm tra tại các đơn vị này.
Bên cạnh đó, Giáo sư Hideaki Miyajima, của trường Đại học Waseda, cho rằng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng tăng trưởng yếu trong nhiều thập kỷ của nền kinh tế, giảm phát kéo dài, dân số suy giảm và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước châu Á láng giềng./.