Thương hiệu Quốc gia: Định vị, gia tăng giá trị trong kinh tế toàn cầu

Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nằm trong tốp 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm (vào năm 2022) con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.
Thương hiệu Quốc gia: Định vị, gia tăng giá trị trong kinh tế toàn cầu ảnh 1Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% vào năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

Nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với chủ đề “Định vị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam Xanh,” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay kết quả trên cho thấy các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.

“Điều này cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam,” ông Khánh nói.

Tốc độ gia tăng nhanh chóng

Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu Quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Thương hiệu Quốc gia: Định vị, gia tăng giá trị trong kinh tế toàn cầu ảnh 2TH True milk được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

[Việt Nam là điểm sáng về Thương hiệu Quốc gia toàn cầu]

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.

Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nằm trong tốp 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm (vào năm 2022) con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.

Có thể thấy, đằng sau một thương hiệu quốc gia uy tín là các câu chuyện thành công của thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cho hay việc xây dựng được một câu chuyện hấp dẫn là chìa khoá để xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam. Cùng đó là lời hứa được đưa ra để tạo sự tin tưởng, uy tín và thân thuộc với thương hiệu.

Để làm được điều này, đầu tiên cần đầu tư tạo ra hệ sinh thái, trong đó môi trường kinh doanh là vấn đề quan trọng, bao gồm một số yếu tố như: Ngoại giao, nền kinh tế, môi trường kinh doanh thuận lợi…

Mặt khác, thế mạnh của Việt Nam đến từ sản xuất chế biến, chế tạo, do vậy cần lấy đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam.

“Tốp 10 thương hiệu mạnh của Việt Nam hầu hết ở trong nước cần làm thế nào để vươn tầm thế giới và quốc tế hoá. Để làm được điều này cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, truyền thông và nghệ sĩ… cùng nói về Việt Nam, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam,” ông khuyến nghị.

Cùng ý kiến này, theo bà Nancy Elizabeth Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California (Mỹ), tại Việt Nam hiện nay số lượng thương hiệu có danh tiếng ngày một nhiều, bao gồm cả thương hiệu nước ngoài và thương hiệu nội địa. 

Hơn nữa, để tạo nên sự thành công của thương hiệu của hình ảnh quốc gia Việt Nam là tạo nên được một câu chuyện hấp dẫn.

“Việt Nam có văn hoá truyền thống độc đáo, do vậy cần lan tỏa câu chuyện đó ra toàn thế giới để tạo sự nhận diện hấp dẫn và tin tưởng, từ đó tạo nên hình ảnh thương hiệu Việt Nam,” bà Nancy Elizabeth Snow nhấn mạnh

Định hướng Chuyển đổi Xanh

Theo các chuyên gia, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như: CPTPP, (EVFTA)… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường.

Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Điều phối Dự án Phát triển Bền vững Tập đoàn TH chia sẻ Chiến lược Xanh chắc chắn sẽ là một chiến lược dài hơi cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bởi điều này đòi hỏi các doanh nghiệp có sự cam kết để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, giảm thiểu tiêu cực tới môi trường.

Đối với tập đoàn TH, theo bà Thủy, doanh nghiệp luôn ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến nhất thế giới, như: quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò đến từ Ixaren hay quy trình quản lý nước thải áp dụng các công nghệ của Nhật Bản, Hà Lan còn phần mềm phối trộn thức ăn được áp dụng từ Israel và Italy….

“Từ những ví dụ trên cho thấy doanh nghiệp đã ứng dụng chiến lược xanh dựa trên mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn để tạo mô hình phát triển bền vững xuyên suốt trong các hoạt động sản xuất-kinh doanh nhằm xây dựng một thương hiệu uy tín, có chất lượng đối với người tiêu dùng,” đại diện TH thông tin

Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Thương hiệu Quốc gia: Định vị, gia tăng giá trị trong kinh tế toàn cầu ảnh 3Lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh để đáp ứng xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, để góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước…

Ông cũng khuyến nghị cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc phổ biến các chính sách, chương trình và tạo ra các kênh pháp lý để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Doanh nghiệp Xanh và Thương hiệu Quốc gia Xanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.