Thưởng lãm 36 tác phẩm điêu khắc độc đáo về 'Mùa Xuân đất nước'

36 tác phẩm điêu khắc của các tác giả thuộc nhiều thế hệ từ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Kháng chiến tới nay với chủ đề ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện tình cảm của quân và dân với Bác Hồ.
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong không khí vui mừng của cả nước hướng về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản (3/2/1930-3/2/2021) và mừng xuân Tân Sửu 2021, sáng 28/1, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức khai trương triển lãm điêu khắc với tên gọi "Mùa Xuân đất nước."

Triễn lãm trưng bày 36 tác phẩm của 29 tác giả thuộc nhiều thế hệ từ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Kháng chiến cho đến nay.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, các thế hệ nhà điêu khắc Việt Nam đã tiếp nối truyền thống để làm nên một nền tảng điêu khắc hiện đại đa dạng về ngôn ngữ tạo hình, đưa đến cho người xem cái nhìn chân thực, sinh động về tình yêu cuộc sống và con người trên mọi miền đất nước và truyền tải thông điệp về những vấn đề môi trường, xã hội đương thời.

Các tác phẩm trưng bày theo nhiều chủ đề phong phú. Trong đó, những tác phẩm: "Đảng và mẹ hiền" của Phạm Xuân Thi, "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969" của Vương Học Báo, "Xuân 1975" của Trần Tía, "Nghe lời non nước" của Vũ Ngọc Khôi, "Bác Hồ đi tìm được cứu nước" của Diệp Minh Châu đã thể hiện thành công chủ đề ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Các tác phẩm thuộc chủ đề Mùa Xuân trên mọi niềm đất nước mang đến những góc nhìn, góc cảm nhận độc đáo cho người xem như tác phẩm "Tiếng đàn" của Tạ Quang Bạo, "Hội chèo thuyền" của Ninh Thị Đền, "Vũ điệu Mùa Xuân" của Trần Việt Hà.

[Sôi nổi các chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân]

Bên cạnh sự kế thừa truyền thống của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, khuynh hướng cách điệu hóa, nhiều tác giả đã đem những đến những thay đổi, sáng tạo mới lạ về tạo hình cho tác phẩm của mình như trong các tác phẩm "Thổi khèn" của Hứa Tử Hoài, "Ngày hội Hai Bà Trưng" của Phạm Văn Định, "Uống rượu cần" của Đinh Rú.

Những tác phẩm được hoàn thành trong thời gian từ sau thời kỳ đổi mới đến nay mang đậm khuynh hướng sáng tác hiện đại.

Khách tham quan triển lãm trong ngày khai mạc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các tác giả hiện đại đã chọn cho mình những phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt về những vấn đề xã hội một cách trực tiếp hoặc ẩn dụ như tác phẩm "Quà tặng của biển" của Hoàng Mai Thiệp, "Bầu sữa" của Nguyễn Khắc Quân, "Đồng đội" của Vũ Hữu Nhung.

Từ những tác phẩm được trưng bày, người xem có thể thấy được sự chuyển biến khuynh hướng sáng tạo, cách biểu đạt đa dạng của khối-hình, sự phong phú về chất liệu tạo hình (đá, gỗ, thạch cao, gốm).

Đồng thời, các tác phẩm cũng thể hiện phong cách cá nhân khá rõ nét của các nhà điêu khắc, đặc biệt trong khía cạnh vừa kế thừa phong cách truyền thống, vừa có nét độc đáo, phát triển hiện đại. Từ đó, hệ thống các tác phẩm trưng bày đóng góp một cái nhìn khá tổng quan về diện mạo của điêu khắc Việt Nam hiện đại.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường chia sẻ, có nhiều tác phẩm vừa phát huy được chất liệu dân tộc như gốm gỗ, vừa đạt đến mức độ tiếp cận với mặt bằng điêu khắc thế giới.

Điểm đặc biệt là với chủ đề chào mừng Đại hội Đảng, những tác phẩm được lựa chọn, sưu tập, quy tụ về đây là những tác phẩm có chất lượng về nội dung, độc đáo về cách thể hiện.

Ngắm nhìn các tác phẩm, ta có thể hiểu thêm một khía cạnh mới được truyền tải đó là những nét đẹp trong muôn mặt đời sống khi Tết đến, Xuân về, những câu chuyện đẹp bình dị hàng ngày cũng thể hiện lòng người hướng về Đảng chứ không chỉ có các tác phẩm cụ thể về đề tài Cách mạng, về Đảng, về Bác mới thể hiện tình cảm của nhà điêu khắc về Mùa Xuân, đất nước, Đảng và Bác.

Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại Triển lãm "Mùa Xuân đất nước là mạch nối của nhiều thế hệ nghệ sỹ điêu khắc. Các tác giả mong muốn tác phẩm của mình sẽ khơi dậy và bồi đắp niềm tin, niềm tự hào đối với Đất nước, với Đảng và với Bác Hồ.

Triển lãm mở cửa từ ngày 28/1 đến hết ngày 28/2/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục