Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh ra các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức trong việc cập nhật thông tin vĩ mô, chuẩn bị năng lực tài chính, vấn đề công nghệ và việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Đây cũng là những vấn đề nổi bật được nêu ra trong chương trình Ngày hội doanh nhân 2017 với chủ đề “Giải pháp thương mại điện tử - Để doanh nghiệp thành công hơn” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.
[Doanh thu thương mại điện tử dự báo đạt 10 tỷ USD vào năm 2020]
75% công nghệ đã hết khấu hao
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40% GDP và 77% cơ cấu lực lượng lao động hiện nay. Song, tính ở góc độ tài chính, chỉ khoảng 3% số doanh nghiệp trong khối này tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Chia sẻ thực tế này, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc khối SME, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông Việt Nam (OCB) cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là thiếu tài sản bảo đảm. Chưa kể báo cái tài chính chưa rõ ràng, phương án kinh doanh chưa phù hợp... cũng làm cho sự kết nối với ngân hàng khó khăn hơn.
Do vậy, theo đại diện ngân hàng OCB, để có được những hỗ trợ mang tính dài hạn, phía ngân hàng phải có những dòng sản phẩm đặc trưng phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, như tài sản, hồ sơ tài chính, quay vòng vốn.
Thực tế hiện nay, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất khiêm tốn, ước tính chỉ khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết được với chuỗi cung ứng. Minh chứng là giá trị xuất khẩu đạt được rất cao, nhưng tỷ lệ gia tăng lại thấp.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện từ và kinh tế số (Bộ Công Thương), những ngành hàng xuất khẩu cao lại nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất, do vậy giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng chưa cao do dựa trên việc thâm dụng lao động là chủ yếu.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu Thương mại, thì 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu từ những năm 90 và 75% đã hết khấu hao.
Thưc tế này cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu dừng ở khối văn phòng như Email, trao đổi văn bản, trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và điều hành sản xuất còn thấp.
Đơn cử với ngành dệt may, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, còn đối với ngành sản xuất chế biến thực phẩm, con số này chỉ là 7%.
Không thể bỏ lỡ cơ hội từ Thương mại điện tử
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng Thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản).
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Đưa ra những xu hướng hiện nay, bà Lại Việt Anh, cho biết, một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu chính trong thời đại công nghệ hiện nay chính là thương mại điện tử.
Theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp siêu siêu nhỏ nhưng đã tận dụng được Facebook và thương mại điện tử để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp họ giảm bớt khâu trung gian và giảm nhiều chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất.
Thống kê trên sàn Alibaba thì có 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia và khoảng 70% tìm được cơ hội tại sàn này, trong khi Facebook có tỷ lệ tham gia là 50 triệu doanh nghiệp.
Bà Lại Việt Anh nhấn mạnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ưu thế hơn doanh nghiệp lớn trong việc tổ chức lại mô hình kinh doanh của mình dựa trên công nghệ thông tin, còn về vốn và công nghệ sẽ có nhiều gói và giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của mình.
"Có 55% doanh nghiệp cho biết doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến B2B tăng hơn 10% trong năm qua và 22% doanh nghiệp có trên 40% khách hàng chọn phương thức đặt hàng trực tuyến," đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.
Tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng nhấn mạnh đến sức lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử. trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều dịch vụ, tư vấn, ý tưởng, các giải pháp trong cuộc cách mạng công nghệ số để từ đó có được phương án kinh doanh hiệu quả hơn.
"Với mong muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình mong muốn mang đến thêm giải pháp, hỗ trợ từ chính các ngân hàng để có kết nối hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn," ông Đỗ Kim Lang cho biết thêm./.