Thương mại điện tử: Kênh quảng bá hữu hiệu giúp nhãn lồng đi xa hơn

Việc đưa nhãn lồng lên sàn thương mại điện tử là một kênh tiêu thụ, phân phối hiện đại, nhằm quảng bá tốt hơn hình ảnh quả nhãn của Hưng Yên đi xa hơn.
Thương mại điện tử: Kênh quảng bá hữu hiệu giúp nhãn lồng đi xa hơn ảnh 1Năm nay sản lượng nhãn lồng Hưng Yên thu hoạch cao hơn năm trước khoảng 15-20%. (Ảnh: TTXVN)

“Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” được tổ chức vào sáng 15/7 với quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và nông sản Hưng Yên.

Đáng chú ý, hội nghị có sự tham dự của các hệ thống phân phối, doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu Việt Nam và nước ngoài từ hàng trăm điểm cầu liên kết khác.

Để có những thông tin cụ thể hơn, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về những nội dung tại hội nghị lần này.

- Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay. Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn về hội nghị lần này?

Ông Vũ Bá Phú: Cục Xúc tiến thương mại được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao làm đầu mối phối hợp với Sở Công thương của tỉnh Hưng Yên để tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại này.

Hội nghị sẽ xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn Hưng Yên và các nông sản khác, bao gồm xúc tiến kết nối tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế và là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Hưng Yên.

Tham gia hội nghị này, ở phía nước ngoài là 22 đầu cầu ở các nước trên thế giới, bao gồm đối tác tại nhiều khu vực, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các Tổ chức xúc tiến nước ngoài của nước ngoài, các hiệp hội, các nhà nhập khẩu ở nước ngoài.

Ở trong nước có 10 tổ chức xúc tiến thương mại và cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tham dự trực tuyến và trực tiếp tại Hội nghị ở Hưng Yên. Ngoài ra, hội nghị này còn có lãnh đạo của Sở Thương mại của 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc cũng như là doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc.

[Hợp tác xã đầu tiên tại Hưng Yên xuất khẩu nhãn sang thị trường EU]

Hàng năm, sản lượng nhãn, các sản phẩm từ nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất là lớn, chiếm tới 80% tổng sản lượng nhãn của Việt Nam.

Đây là hội nghị đã kết nối được với các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài, các nhà nhập khẩu nước ngoài, các công ty xuất khẩu của Việt Nam, các nhà phân phối, thu mua của Việt Nam, các công ty thương mại của Việt Nam… và nó hình thành nên một chuỗi sản phẩm nhãn cũng như nông sản của Hưng Yên.

Cục Xúc tiến thương mại đã kết nối và mời được 5 sàn thương mại điện tử sẽ tham gia phối hợp với tỉnh Hưng Yên và Bộ Công thương, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương để giúp kết nối tiêu thụ nhãn các sản phẩm nhãn cũng như các nông sản khác trên các sàn thương mại điện tử.

Có thể nói, việc đưa lên trên sàn thương mại điện tử là một kênh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nhãn hiện đại để quảng bá tốt hơn hình ảnh quả nhãn của Hưng Yên đi sâu đi xa hơn tới thị trường trong nước, thậm chí là thị trường quốc tế.

- Từ thực tế thành công trong việc xuất khẩu quả vải, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Thương mại điện tử cũng như việc kết nối với các thương vụ ở nước ngoài trong xúc tiến quả nhãn của tỉnh Hưng Yên?

Ông Vũ Bá Phú: Việc tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đã giúp các địa phương có thể giải tỏa cũng như tiêu thụ sản lượng nông sản của mình sản xuất ra, đồng thời, giúp giữ được giá trị và gia tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ.

Theo tôi để xuất khẩu được những sản phẩm quả nhãn cũng như là các trái cây đặc sản của Việt Nam đi vào các thị trường khó tính thì các địa phương cần phải phân loại sản phẩm của mình. Tức là phải quy hoạch vùng trồng, vùng trồng nào thì xuất đi châu Âu, vùng trồng nào xuất đi Nhật, vùng trồng nào thì tiêu thụ ở thị trường trong nước… và theo đó thì có truy xuất nguồn gốc cũng như những chứng nhận xuất xứ để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Tiếp đến, công tác quảng bá và truyền thông. Từ hội nghị quả vải của Hải Dương cũng như của Bắc Giang cho thấy công tác quảng bá, truyền thông về các sản phẩm trái cây của Việt Nam rất quan trọng.

Công tác quảng bá này đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với lại các đơn vị liên quan, các cơ quan truyền thông, các kênh truyền thông đa phương tiện khác để có thể chuyển tải được hình ảnh quả vải, quả nhãn đi xa hơn, tới mọi ngóc ngách của thị trường trên thế giới cũng như trong nước. Qua đó giúp người tiêu dùng biết được đến những cây trái cây đặc sản của Việt Nam.

Thương mại điện tử: Kênh quảng bá hữu hiệu giúp nhãn lồng đi xa hơn ảnh 2Các sàn thương mại điện tử là một kênh rất hiệu quả đối với thị trường đầu ra cho nông sản. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, kênh phân phối hiện đại đó là thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng. Mặc dù là sản lượng tiêu thụ không lớn, chỉ khoảng độ 6.000 tấn trên tổng số 215.000 tấn quả vải của Bắc Giang song đây cũng là phương tiện, là một kênh để quảng bá truyền thông trái cây đặc sản của các vùng miền, của địa phương rất là hiệu quả.

Chính vì vậy, trong tương lai việc phối hợp, kết hợp tiêu thụ nông sản trái cây trên các sàn thương mại điện tử cũng sẽ là một kênh rất hiệu quả đối với thị trường đầu ra cho nông sản.

- Vai trò của công tác xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử nói riêng trong thời gian tới sẽ được Bộ Công Thương chú trọng như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh của dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở cả trong nước ta cũng như trên thế giới, thưa ông?

Ông Vũ Bá Phú: Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ góp phần kết nối giữa người mua, người bán, giữa nhà nhập khẩu với nhà xuất khẩu, giữa các vùng nguyên liệu, các vùng nông sản, các vùng trái cây của Việt Nam với thị trường trong nước và quốc tế.

Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, khi mà không thể tiến hành được những hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại nhanh chóng chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại mới phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xúc tiến thương mại.

Cụ thể, trong vòng hơn một năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh các hình thức giao thương trực tuyến. Mỗi tuần, Cục Xúc tiến thương mại thường tổ chức từ 1-3 cuộc giao thương trực tuyến về các loại sản phẩm của Việt Nam với các thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Đối với hội nghị kết nối tiêu thụ nhãn trong ngày 15/7, vào buổi chiều, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp lại với Sở Công Thương các tỉnh: Hưng Yên, Sơn La, Long An - là những địa phương có quả nhãn, để kết nối giao thương với các nhà nhập khẩu của nước ngoài, từ Trung Quốc cho đến Australia, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… Đây là hình thức xúc tiến thương mại rất hiệu quả trong bối cảnh COVID-19.

Hình thức thứ hai đó là ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu trực tiếp.

Trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài như: Alibaba, Amazone… để tổ chức những khóa huấn luyện và tuyên truyền, phổ biến về hiệu quả cũng như tác dụng của thương mại điện tử tới các doanh nghiệp, giúp họ có thể ứng dụng sàn thương mại điện tử và những nền tảng thương mại điện tử này vào trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm của họ một cách trực tiếp.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.