Minh bạch thông tin: Yếu tố tiên quyết bảo vệ người dùng trên thương mại điện tử

Thương mại Điện tử: Minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thương mại Điện tử là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, đồng nghĩa với tăng trưởng của Thương mại Điện tử cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các khiếu nại trong lĩnh vực này.

Tốc độ tăng trưởng thị trường Thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là sự gia tăng đáng kể của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng rất quan trọng.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tửvới chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử bền vững - Tăng cường bảo vệ Quyền lợi của Người tiêu dùng trên Thương mại điện tử" do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 1/12, tại Hà Nội.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ

Thông tin tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự báo tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Minh chứng trong 10 năm gần đây, theo ông Hải, từ những ngày khái niệm "Thương mại Điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng Thương mại Điện tử chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên thì giờ đây, lĩnh vực này liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.

Hiện Thương mại Điện tử tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: Dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát...

“Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng,” ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đáng chú ý, sự tăng trưởng của Thương mại Điện tử cũng tạo bước đột phá cho nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng Xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số chia sẻ Thương mại Điện tử là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường.

Điều dễ nhận thấy là từ việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, quy trình giao vận..., Thương mại Điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí.

Cùng với người tiêu dùng, các sàn Thương mại Điện tử, các nền tảng Số có thể khuyến khích các sản phẩm Xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường bao gồm từ vật chứa cho đến các sản phẩm được mua bán.

“Bằng hệ thống công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng có thể hình thành các quy trình kiểm soát, đánh giá việc thực hiện các quy trình Xanh, nâng cao nhận thực của toàn hệ thống về bảo vệ môi trường,” bà Lê Hoàng Oanh nói.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng thay đổi tư duy, từ chỗ trước đây chỉ coi Thương mại Điện tử là một lựa chọn, thì nay đã coi Thương mại Điện tử là yếu tố sống còn, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cũng vì vậy mà tăng cường ứng dụng bán hàng trên Thương mại Điện tử hay mạng xã hội.

Đánh giá về xu hướng mua sắm qua Thương mại Điện tử, đại diện các doanh nghiệp, sàn Thương mại Điện tử như Lazada, Shopee cho rằng người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm qua Thương mại Điện tử ngày càng nhiều, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Dẫn chứng của Viettel post cho thấy tỷ lệ người dùng Internet mua sắm trực tuyến hàng tuần của Việt Nam chiếm 60,7%, nằm trong Top 10 khu vực châu Á.

Tuy vậy, trước xu hướng Thương mại Điện tử Xuyên biên giới ngày càng được mở rộng, đại diện Viettel post cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh công nghệ mới để tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu, ở Mỹ, châu Âu…

“Những kinh nghiệm trong 10 năm qua có thể giúp Việt Nam xây dựng một nền Thương mại Điện tử mạnh và bền vững, vươn tầm quốc tế,” đại diện Viettel post nêu ý kiến.

Đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Có thể thấy Thương mại Điện tử là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, đồng nghĩa với tăng trưởng của Thương mại Điện tử cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các khiếu nại trong lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin, tại hệ thống Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 ghi nhận Thương mại Điện tử đứng thứ 2 trong tổng số 22 nhóm hàng hóa được phân loại nhiều nhất, song đây chưa phải con số cuối cùng, bởi sau khi làm việc với các sàn Thương mại Điện tử và doanh nghiệp nếu chưa thỏa đáng, khách hàng mới tìm đến các cơ quan chức năng để tiếp tục giải quyết.

Dự kiến quy mô thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo số liệu thống kê, khiếu nại về Thương mại Điện tử năm 2022 chiếm khoảng 15% tổng số khiếu nại và 10 tháng năm 2023 chiếm khoảng 6%.

Nguyên nhân chính được chỉ ra đầu tiên là do chậm giao hàng (hỏng hóc, vỡ nát, nhận không đúng với đơn đặt hàng), tiếp đến là người tiêu dùng không thỏa mãn với giải quyết của doanh nghiệp, hay hàng hóa không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Từ các dẫn chứng trên, bà Quỳnh Anh cho biết cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng các văn bản pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Thương mại Điện tử, mới nhất là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, bổ sung vào tháng 6/2023 và có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Nhấn mạnh đến minh bạch thông tin, theo bà Quỳnh Anh, đây là nội dung tiên quyết để bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là các thông tin phải dễ hiểu, không gây nhầm lẫn. Chính vì vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp tự tuân thủ sẽ có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, các Tổ chức xã hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự giám sát của chính người tiêu dùng.

Đặc biệt, cơ quan chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như sở công thương các địa phương liên tục phối hợp với lực lượng Quản lý Thị trường để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng nguồn gốc.

Theo đó, khi khiếu nại, người tiêu dùng có thể tìm đến các cơ quan Quản lý Nhà nước và theo đề án của Tổng cục Quản lý Thị trường, lực lượng này sẽ làm việc chặt chẽ với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số sẽ xác minh, nếu vi phạm sẽ tiến hành chặn các giao dịch trên website đó.

Tuy nhiên, bà Quỳnh Anh cũng khuyến nghị người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ mình, chủ động mua sắm hàng hóa trên các website đã được đăng ký với Bộ Công Thương, hay những doanh nghiệp đã được chứng nhận trên các sàn Thương mại Điện tử cũng như thông báo cho cơ quan Nhà nước hàng hóa vi phạm để kịp thời ngăn ngừa các gian thương trong lĩnh vực này.

Song song đó, nhiều sàn Thương mại Điện tử đang áp dụng quy trình kiểm soát bằng hệ thống từ khoá, bộ lọc và triển khai bộ phận nhân sự kiểm duyệt để nhanh chóng phát hiện sản phẩm vi phạm đồng thời thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục