Các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 19/4 đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại Washington; trong đó thương mại là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi các chính sách mang tính bảo hộ thương mại.
Chuyên gia Takatoshi Kato của Trung tâm tài chính quốc tế Nhật Bản cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương G20 có thể sẽ tập trung vào việc thuyết phục Mỹ qua việc nêu bật tầm quan trọng của hoạt động thương mại cởi mở, tự do và công bằng.
G20 có thể cũng sẽ thảo luận các động thái về (chính sách) tiền tệ, chắc sẽ tái khẳng định sự đồng thuận trong việc kiềm chế và không chủ ý định giá thấp đồng tiền của nước mình để có được lợi thế về thương mại.
[Cuộc chiến thương mại toàn cầu trở thành chủ đề chính của Hội nghị G20]
Bên cạnh đó, G20 có thể sẽ xem xét những tác động của việc thu giảm dần quy mô của các chương trình kích thích tiền tệ ở Mỹ và châu Âu đối với kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, những quan ngại về tình hình địa chính trị vẫn còn đó, liên quan tới vấn đề ở Syria và Triều Tiên.
Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu đã khơi mào những động thái trả đũa từ Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về khả năng một cuộc chiến thương mại xảy ra có thể làm tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Nga và Trung Quốc "đang chơi trò" phá giá đồng tiền, trong khi Mỹ tăng lãi suất và cho rằng điều này là không thể chấp nhận được.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này cảnh báo các nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, trong đó có tình hình tài chính thắt chặt hơn, những bất ổn địa chính trị và xu hướng chuyển sang những chính sách bảo hộ-việc gây hại cho thương mại quốc tế.
Phát biểu với báo giới trước cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết nước này sẽ kiên định với lập trường rằng việc dựng lên những hàng rào thương mại là một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế./.