Thương vụ phải là cầu nối đưa hàng Việt ra nước ngoài

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, các thương vụ nước ngoài phải đẩy mạnh hoạt động nhằm kết nối hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới.

Nhiều thị trường truyền thống chưa khai thác được hết, công tác dự báo thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn... Do vậy, các thương vụ nước ngoài phải đẩy mạnh hoạt động nhằm kết nối hiệu quả cho hàng hóa của Việt Nam vươn ra thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại 2013 tổ chức ở Hà Nội ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng nhận xét rằng do hoạt động kiêm nhiệm thị trường nên hiệu quả hoạt động của một số thương vụ nước ngoài còn chưa cao, vẫn bị động...

Điều này đã khiến việc xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào một số thị trường còn hạn chế so với nhu cầu và tiềm năng của nước sở tại.

"Chính vì vậy, hoạt động thương vụ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, bám sát yêu cầu thực tế và diễn biến thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước," Theo thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Mặt khác, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng nhấn mạnh đến một số bất cập trong hoạt động thương vụ như thiếu tính chủ động và phối hợp trong việc kết nối giới thiệu thị trường ngoài nước cho các địa phương và doanh nghiệp, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xuất khẩu của hàng hóa trong nước...

"Để hoàn thành mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương là tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 khoảng 10%, nhập siêu được duy trì ở mức 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu..., các thương vụ cần chủ động đề xuất các phương hướng xúc tiến thương mại từng địa bàn vào từng thời điểm đồng thời nắm bắt nhu cầu hàng hóa của nước sở tại để định hướng cho các doanh nghiệp trong nước," Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.

Mặt khác, các Tham tán cũng cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các lợi ích đem lại từ các hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu./.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2013, mặc dù giá xuất khẩu một số mặt hàng nông-thủy sản giảm song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước.

Dự kiến, cả năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%).

Hàng hóa của Việt Nam hiện có mặt ở gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì xuất khẩu của nước ta sang thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đã có bước phát triển.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.