Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 38, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua các Tờ trình, Đề án của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách ủy viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện Kiểm sát Nhân dân.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, về điều chỉnh Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát.
Theo Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nên công tác pháp chế và quản lý khoa học của ngành kiểm sát nhân dân đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lập thêm một đơn vị mới là không cần thiết, nên giao nhiệm vụ pháp chế cho Viện Khoa học kiểm sát đảm nhiệm và đổi tên Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát.
Việc đề nghị chuyển đổi tên này nhằm phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của đơn vị và không làm tăng thêm đầu mối tổ chức, bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Không tán thành với quan điểm là chuyển Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát, Ủy ban Tư pháp lý giải, theo quy định của pháp luật, Viện Khoa học kiểm sát là đơn vị sự nghiệp công lập, được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, nhân sự và tài chính (có thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ khoa học và các hoạt động khác); đội ngũ cán bộ chủ yếu là viên chức.
Trong khi đó, đây là đơn vị hành chính có chức năng tham mưu về các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ của bộ, ngành, hoạt động theo chế độ chuyên viên, gồm những công chức theo quy định của Luật Công chức.
Nếu chuyển Viện khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát thì đơn vị này sẽ đồng thời vừa làm nhiệm vụ của một đơn vị hành chính tham mưu, giúp việc về công tác pháp chế, vừa làm nhiệm vụ của một đơn vị sự nghiệp công lập là chồng chéo về vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng đề nghị, nên thành lập 2 cơ quan riêng là Vụ Pháp luật và Viện Khoa học kiểm sát.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị tách Viện Khoa học kiểm sát thành 2 đơn vị là Vụ Pháp luật và Viện Khoa học kiểm sát, thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau.
Cũng theo bà Mai, một viện “to” như Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không thể không có nghiên cứu khoa học, do đó cần giữ lại Viện Khoa học kiểm sát.
Phát biểu ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thấy cần giữ lại Viện Khoa học kiểm sát để làm chức năng nghiên cứu khoa học như một đơn vị sự nghiệp công lập của ngành kiểm sát thì để nguyên, còn không phải giao cho Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, dứt khoát chức năng nghiên cứu khoa học của ngành kiểm sát là phải có.
Đối với việc điều chỉnh Vụ Kế hoạch-Tài chính thành Cục Tài chính-Hậu cần, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, Viện Kiểm sát Nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất không chỉ về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động nghiệp vụ, mà cả việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, hậu cần trong toàn ngành kiểm sát nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ này, để đảm bảo tính thống nhất trong ngành có những công việc không thể phân cấp cho cấp dưới mà phải mua sắm, quản lý và cấp phát tập trung như trang phục, phương tiện làm việc chuyên dùng... Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thấy cần thiết chuyển đổi tên gọi Vụ Kế hoạch-Tài chính thành Cục Tài chính-Hậu cần cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Về vấn đề trên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cho rằng việc nâng từ Vụ Kế hoạch-Tài chính lên thành Cục Tài chính-Hậu cần do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để thành lập Cục theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ.
Khác với Vụ, ngoài chức năng tham mưu thì Cục còn có chức năng tương đối độc lập là tổ chức thực thi pháp luật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.
Việc thành lập Cục phải đáp ứng các tiêu chí: Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng, Trưởng ngành để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý; tổ chức hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc chuyên ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, nếu thành lập Cục sẽ phát sinh các bộ máy trung gian như văn phòng, phòng… là không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 39 về việc không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt, thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, đề nghị tiếp tục giữ Vụ Kế hoạch-Tài chính với chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc thành lập Cục Tài chính với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình nhưng không dùng từ “hậu cần;” bởi vì khái niệm “hậu cần” có nội dung rất rộng, chỉ phù hợp trong quân đội hoặc công an nhân dân.
Tán thành việc điều chỉnh Vụ Kế hoạch-Tài chính thành Cục Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên dùng từ hậu cần, bởi cái gì cũng là hậu cần.
Liên quan điều chỉnh Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, thì mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn phù hợp nữa, trong khi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, kỹ năng công tác và bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức trong ngành kiểm sát nhân dân đang đặt ra rất lớn.
Thực tế, hiện nay Nhà trường đang đáp ứng rất tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành kiểm sát nhân dân, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cho các tỉnh phía Nam và hợp tác quốc tế, việc duy trì phát triển cơ sở đào tạo này là rất cần thiết.
Do vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị chuyển Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Phân hiệu nhà trường hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cấp Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng ngành kiểm sát, chứ không có giá trị như Bằng tốt nghiệp đại học để hưởng chính sách đại học.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cho rằng chuyển đổi như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng của ngành kiểm sát.
Về số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất số lượng Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là 15 người, nhưng hiện tại mới có 13 thành viên, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết cử 13 thành viên.
Không tán thành việc quyết định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát là 15 người như Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân không quy định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Thực tế thời gian qua, số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát được quyết định theo yêu cầu thực tiễn ở từng thời kỳ, căn cứ vào số lượng nhân sự cụ thể có tại thời điểm trình. Mặt khác, Tờ trình không nêu căn cứ nào để xác định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát là 15 người, trong khi số nhân sự cụ thể trình lần này chỉ có 13 người.
Góp ý về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình để 15 người, chứ không nên mở 19 người và trước mắt nên có Nghị quyết cử 13 cán bộ là thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo chương trình phiên họp 38, chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật khí tượng thủy văn và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII./.