Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu rõ Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần năm năm triển khai, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Những hạn chế cơ bản của Luật đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trên thực tiễn, trong đó có các vấn đề về tự chủ đại học, quản trị đại học, quản lý đào tạo… Do vậy, việc xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Nội dung chủ yếu của dự thảo Luật tập trung vào các vấn đề mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
[Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục]
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để khắc phục một số hạn chế của các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết liên quan của Đảng.
Một số ý kiến chỉ ra thực tế, dù Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành năm năm, song có những văn bản hướng dẫn thực hiện mới được ban hành hơn một năm, chưa đủ thời gian cần thiết để kiểm chứng tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định. Vì vậy, Ban soạn thảo cần có sự tổng kết sâu sắc hơn về những vướng mắc, bất cập; phân tích đầy đủ nguyên nhân là do quy định của Luật hay chỉ là vướng mắc trong khâu hướng dẫn, tổ chức thực hiện để từ đó xác định nội dung, phạm vi và thời điểm sửa đổi Luật cho phù hợp hơn.
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu. Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hồ sơ dự án Luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá đầy đủ, sâu sắc các tác động do việc thực hiện chính sách mới mang lại; bổ sung thêm một số tài liệu như Báo cáo thuyết minh các nội dung sửa đổi, một số tài liệu tham khảo, tổng kết kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các nội dung chính sách được đề xuất sửa đổi và dự kiến các văn bản hướng dẫn kèm theo…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung thêm các luận cứ để chỉnh sửa, hoàn thiện Tờ trình; bổ sung thêm bảng so sánh các quy định giữa Luật mới và Luật cũ; rà soát, đối chiếu với các nội dung quy định trong Luật này với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát trong các nội dung tập trung sửa đổi đã đủ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đất nước chưa, có cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh hay không. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đến các nội dung quy định liên quan trực tiếp đến sinh viên và giảng viên đại học để từng bước hoàn thiện nội dung dự án luật.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh các lỗi kỹ thuật văn bản, đồng thời rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo tính kế thừa, tính đồng bộ, thống nhất với các Luật khác trong hệ thống pháp luật./.