Sáng 14/9, Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Phiên họp thứ 41 diễn ra đến ngày 24/9, theo chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Luật dược (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật báo chí (sửa đổi), Luật về hội, Luật ban hành quyết định hành chính, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng và dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp; việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là phiên họp trọng yếu trong việc hoàn thiện các nội dung dự thảo trình Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Bởi sau Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn 1 phiên họp nữa là đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 10.
Phiên họp thứ 41 cũng diễn ra trong bối cảnh các địa phương tổ chức Đại hội Đảng bộ, hoàn thiện bộ máy nhân sự nhiệm kỳ mới. Phiên họp có trọng tâm cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật lớn, như dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) - dự thảo này đang được tiến hành xin ý kiến nhân dân.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, hiệu quả, để đảm bảo chất lượng các dự thảo góp phần chuẩn bị thật tốt các nội dung cho Kỳ họp thứ 10 sắp tới.
Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) - một dự thảo luật quan trọng hàng đầu trong danh mục những dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tới. Những nội dung đáng lưu ý được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ là: Việc bổ sung các tội danh mới và việc bỏ hình phạt tử hình.
Quy định cụ thể tội phạm “có mục đích kinh tế”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, nhiều ý kiến đề nghị bỏ điểm c khoản 3 Điều 39, vì quy định không thi hành án tử hình đối với người phạm tội vì mục đích kinh tế nếu sau khi bị kết án đã khắc phục hậu quả, dễ dẫn tới hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định loại tội phạm “có mục đích kinh tế” là không rõ, cần phải quy định cụ thể hơn và người phạm tội này phải hội đủ các yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.
Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh lý lại điểm này như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng không nên áp dụng quy định với “tội nhận hối lộ” như phương án trên vì nhận hố lộ là rất nghiêm trọng, là hành vi chủ động để tham nhũng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh , tinh thần xây dựng luật vẫn là bớt hình phạt tử hình. C hủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên vì tính nhân đạo và hội nhập quốc tế. Đối tượng này dù thoát án tử hình nhưng vẫn phải nhận án tù dài hạn, chung thân chứ không được tha bổng. Ý kiến nhân dân cũng cơ bản tán thành về nội dung này.
Liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình, theo Ủy ban Tư pháp, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, nên bỏ hình phạt tử hình ở tội này, vì vận chuyển ma túy đa số rơi vào đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.
Phân loại hành vi cố ý làm trái
Liên quan đến quan điểm bỏ hay không bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, buổi làm việc cũng ghi nhận những ý kiến khác nhau.
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, cần thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội phạm cụ thể đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, xét cần thiết phải xử lý về hình sự để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.
Song theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn, một vướng mắc rất lớn là Bộ luật Hình sự hiện hành có 246 điều quy định về định tính, định lượng như phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... nhưng mới chỉ có 60 điều có hướng dẫn.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn đề nghị nên xác định luôn các mức độ lớn, rất lớn, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này. Bởi các nội dung này là dấu hiệu để định khung hình phạt, nếu không xác định được thì không định được hình phạt và các văn bản dưới luật đều không được quyền xác định các mức độ này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đa số đại biểu Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với hướng giảm tử hình trên 3 phương diện: Giảm hình phạt ở một số tội; quy định khung định lượng theo hướng nâng lên trong các tội để giảm hình phạt tử hình và không áp dụng hình phạt tử hình với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, phụ nữ có thai và người phạm tội từ 75 tuổi.
Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình với tội phạm chiến tranh như diệt chủng cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn, bởi luật quy định tội giết người bị xử cao nhất là tử hình trong khi diệt chủng là giết nhiều người, giết dân thường... lại không có hình phạt tử hình là không nhất quán về chính sách hình sự.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.