Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (1988-2013) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Công ty Thủy điện Hòa Bình (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) diễn ra ngày 14/12, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc công ty cho biết với vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên đến hết năm nay, công ty đã sản xuất được trên 175 tỷ kWh.
Riêng những năm đầu đi vào vào vận hành, tỷ trọng điện sản xuất của công ty chiếm từ 30-40% trong hệ thống.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Thủy điện Hòa Bình từng được mệnh danh là công trình thế kỷ của đất nước bởi đây là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất của đất nước khi đó. Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban ngành ở Trung ương và địa phương liên quan tập trung tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn, nhân lực và vật lực cho công trình.
Với 8 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, Thủy điện Hòa Bình là công trình có điều kiện thi công phức tạp, thời gian thi công kéo dài và có quy mô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời đó. Công trình còn mang tầm vóc ý nghĩa lịch sử và nhân văn to lớn bởi do Đảng và Nhà nước Liên Xô cũ trước đây giúp đỡ xây dựng. Đó là một biểu tượng sống động của tình hữu nghị sâu nặng giữa hai dân tộc Việt-Xô trong thế kỷ XX.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2017, sau khi Thủy điện Lai Châu hoàn thành, các nguồn thủy điện công suất lớn xây mới ở trong nước không còn nữa, chỉ còn rất ít thủy điện vừa và nhỏ. Lúc đó, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2020 là 75.000 MW, trong đó, thủy điện giảm dần chỉ còn chiếm 23,1%. Như vậy, trong hệ thống điện có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần như hiện nay, các nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Hòa Bình sẽ phải đảm nhận vai trò nặng nề hơn trong việc duy trì ổn định phương thức vận hành của hệ thống điện, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tần số, phủ đỉnh công suất lúc cao điểm và khả năng phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống xấu khi có sự cố lớn trên hệ thống điện.
Bên cạnh đó, khi hệ thống các bậc thang thủy điện sông Đà được hoàn chỉnh nhờ có sự điều tiết bởi các hồ chứa phía trên nên hiệu quả khai thác dòng chảy của Thủy điện Hòa Bình càng được nâng lên và thời gian vận hành các tổ máy cũng như sản lượng điện sẽ gia tăng đáng kể.
"Dù vậy, qua khảo sát tính toán của các cơ quan tư vấn, Thủy điện Hòa Bình vẫn có thể mở rộng tầng quy mô công suất để khai thác lượng nước thừa trong mùa lũ và tăng thêm công suất phủ đỉnh cho hệ thống. Đây là một phương án có tính khả thi và hiệu quả cao hơn so với nhiều dự án tương tự," Giám đốc Nguyễn Văn Minh khẳng định./.