Thủy điện lớn nhất châu Phi có công suất bằng 6 nhà máy điện hạt nhân

Dự án đập thủy điện lớn nhất châu Phi - đập Đại phục hưng có tổng công suất 6.450 MW đã hoàn thành được 66% và dự kiến sẽ sớm phát điện thử nghiệm một phần.
Thủy điện lớn nhất châu Phi có công suất bằng 6 nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Công trường xây dựng Đập thủy điện Đại phục hưng trên sông Nile. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/4/ ông Buzuneh Tolcha, Giám đốc Quan hệ công chúng và Truyền thông của Bộ Nước, Thủy lợi và Năng lượng Ethiopia, cho biết dự án đập thủy điện lớn nhất châu Phi - đập Đại phục hưng (GERD) - có tổng công suất 6.450 MW (tương đương 6 nhà máy điện hạt nhân) đang được triển khai đúng tiến độ, đã hoàn thành được 66% và dự kiến sẽ sớm phát điện thử nghiệm một phần.

Dự án này là một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng khổng lồ mà Chính phủ Ethiopia đang thực hiện nhằm tăng công suất phát điện của quốc gia từ mức 4.289MW hiện nay lên 17.300MW vào năm 2020.

Chính phủ Ethiopia đã bắt đầu thực hiện các dự án năng lượng lớn trên toàn quốc với tham vọng đưa quốc gia Đông Phi này trở thành một trung tâm công nghiệp nhẹ của châu Phi và nền kinh tế có thu nhập trung bình vào năm 2025.

[Ai Cập cảnh báo Ethiopia về Đập thủy điện Đại Phục hưng trên sông Nile]

Hiện tại, một đường dây truyền tải điện cao áp do công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị và Công nghệ điện Trung Quốc (SGCC) với vốn đầu tư 1 tỷ USD, thi công đã hoàn thành và chờ đợi kết nối vào toàn dự án khi GERD hoạt động.

GERD được bắt đầu khởi công vào tháng 4/2011 với tổng số vốn đầu tư lên đến 4,7 tỷ USD với nguồn kinh phí hoàn toàn được huy động từ trong nước, dự kiến sẽ bao gồm một hồ chứa có dung tích 74 tỷ m3 nước sau khi hoàn thành.

Đập thủy điện này được xây dựng trên nhánh sông Nile Xanh, cách biên giới với Sudan 40km, được đánh giá là một dự án mang tính bước ngoặt, đánh dấu “sự phục hưng” của Ethiopia nói chung và nền kinh tế nước này nói riêng khi giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.

Ai Cập và Ethiopia vẫn đang bất đồng về dự án xây dựng GERD khi Cairo quan ngại dự án này sẽ hạn chế nguồn nước chảy từ cao nguyên của Ethiopia xuống hạ nguồn.

Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án GERD trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011.

Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. Đất nước "Kim tự tháp" đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của khoảng 100 triệu dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.